Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM sẽ chuyển theo hướng dịch vụ cao cấp?
Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM sẽ chuyển theo hướng dịch vụ cao cấp?
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 28/06/2022 16:32 PM (GMT+7)
Tại hội thảo khoa học "Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra ngày 28/6, nhiều ý kiến đề xuất chuyển hướng Khu chế xuất Tân Thuận theo hướng công nghiệp công nghệ cao hoặc dịch vụ cao cấp.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nhận xét, nền công nghiệp của quận 7 phát triển sớm nhưng hiện đã lạc hậu, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, nhất là giao thông kết nối.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, để phát triển quận 7, vấn đề cốt lõi là quận phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Trong đó, thực hiện chỉnh trang đô thị từ mô hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; đồng thời coi trọng việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, giữ hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch.
Đặc biệt, quận 7 cần quan tâm đến giao thông kết nối với các quận xung quanh; xem xét chuyển dịch mô hình sản xuất kinh tế, có thể nghiên cứu chuyển dịch Khu chế xuất Tân Thuận theo hướng công nghiệp công nghệ cao hoặc dịch vụ cao cấp.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, Khu chế xuất Tân Thuận cần tiếp tục duy trì theo hướng hiện nay là sản xuất công nghiệp xuất khẩu, trọng tâm thu hút doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, để 300ha đất ở giữa một quận nội thành mới, có xung lực mới, tạo sự bức phá mới cho sự phát triển của Thành phố sau 30 năm ra đời và phát triển.
Đồng thời, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm "hậu cần" cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc này nếu làm đồng bộ với điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đang được tiến hành thì rất thuận lợi, khả thi.
Ở góc độ khác, TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá quận 7 đã có những bước phát triển ấn tượng, hội tụ đủ các điều kiện cần để phát triển thành một đô thị thương mại - dịch vụ với trọng tâm là các ngành y tế - giáo dục chất lượng cao, song quận đang bị giới hạn về không gian phát triển do thiếu quỹ đất và các kế hoạch chuyển đổi chức năng các khu đất chưa khai thác hiệu quả.
TS Trương Minh Huy Vũ nhận định, không gian phát triển phù hợp nhất cho quận 7 là kết hợp cùng huyện Nhà Bè, nhất là về quỹ đất. Ngoài cụm cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp thì tích hợp quỹ đất ven sông của Nhà Bè, nơi còn giữ lại được những mảng xanh tương đối lớn để đầu tư phát triển thành các mũi nhọn y tế - giáo dục đạt chất lượng cạnh tranh quốc tế.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, trên không gian phát triển đã định hình đó, mô hình đô thị thông minh sinh thái quận 7 - Nhà Bè sẽ được định hình trên lõi phát triển Phú Mỹ Hưng – trung tâm của ba đô thị vệ tinh. Cụ thể là đô thị y tế - giáo dục sinh thái ven sông; đô thị thương mại – dịch vụ thông minh và đô thị sản xuất – cảng biển thông minh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, nếu chỉ định vị quận 7 trong khu Nam của TP.HCM và trong TPHCM là chưa đủ vì quận còn có vị trí là trục ven biển. Nếu chiến lược phát triển ra biển tốt, quận 7 sẽ là nơi tiếp cận và khai thác lợi thế mặt tiền biển rất hiệu quả.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP cho biết, với định hướng như vậy mà chỉ trông vào ngân sách thì không khả thi; gợi mở TP.HCM đang trình xin cơ chế đặc thù cho Thành phố thì quận 7 phải đặt mình trong tâm thế đặc thù của đặc thù, để từ đó có cơ chế thu hút tài chính, nguồn lực xây dựng và phát triển quận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.