Khu công nghiệp không nhà trẻ

Thứ năm, ngày 09/12/2010 09:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngành GD-ĐT dường như “bỏ quên” đối tượng là trường mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình. Việc phát triển trường mầm non công lập trong các khu công nghiệp cũng chưa được quan tâm.
Bình luận 0

Không thể giảm tải

img
Toàn bộ con em công nhân KCN Suối Dầu đều phải học tại các nhóm trẻ gia đình.

Chúng tôi tìm đến xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, nơi đóng chân của Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu - KCN lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Hồng Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết:

Từ ngày có KCN Suối Dầu, trên địa bàn xã có cả một làng công nhân với hàng trăm hộ từ các địa phương khác đến tạm trú dài hạn. Vậy nhưng, KCN này không có nhà trẻ. Tại xã không có trường mầm non công lập, chỉ vẻn vẹn 1 trường mầm non dân lập trực thuộc UBND xã.

Cô Đặng Thị Mỹ Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non dân lập Suối Tân, kiêm luôn công việc theo dõi giáo dục mầm non, than thở: Hiện trường có tổng cộng 8 lớp với 250 trẻ, hầu hết các lớp đều có sĩ số 37-40 cháu. Nếu cứ áp dụng sĩ số như dự thảo mới với 25 trẻ/lớp, thì có tới vài chục học sinh của trường phải nghỉ học. Thực tế, đã 2 lần trường đề xuất xây thêm 2 phòng học nữa để giảm tải, đồng thời thêm cơ hội cho nhiều em khác nhưng không được duyệt.

Cũng theo cô Dung, toàn xã có hơn 2.000 hộ dân, số trẻ dưới 5 tuổi khoảng 760 cháu. Như vậy chỉ có 1/3 số cháu được vào học tại ngôi trường này, số trẻ còn lại “dạt” vào các nhóm trẻ tư thục. Cả xã có 8 nhóm trẻ (từ 10 cháu trở lên) thì 7 nhóm hoạt động chui. Đó là chưa kể rất nhiều nhóm trẻ dưới 10 cháu không thuộc diện theo dõi, thống kê của ngành giáo dục.

“Bỏ rơi” trẻ dưới 3 tuổi

Chị Phạm Thị Giang - tạm trú tại khu nhà trọ cạnh KCN Suối Dầu, hiện đang phải nghỉ việc ở nhà trông con, bất bình: “Đứa nhỏ thứ 2 nhà tôi chưa đủ 3 tuổi nên trường mầm non của xã không nhận, đi các nhóm trẻ gia đình thì phải trả từ 500 – 600 nghìn đồng/tháng mà chất lượng không biết thế nào. Vợ chồng tôi có tăng ca cật lực cũng chỉ kiếm được ngót 3 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt thì không đủ chi tiền gửi con”.

Về việc này, cô Đặng Thị Mỹ Dung tâm sự: Lẽ ra đã là trường mầm non thì phải nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Nhưng hiện nay trường chỉ có thể nhận trẻ từ 3-4 tuổi vì không đủ cơ sở vật chất.

Ngày 26-11 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 –2015”. Hiện tại, số trẻ dưới 5 tuổi ở Khánh Hòa là trên 93.700 em, nhưng chỉ có hơn một nửa trong số đó được đến trường (49.500 em).

Trong đó, trẻ dưới 3 tuổi được đi học chỉ chiếm 15,5% (8.890/57.329 em). Tỉnh Khánh Hoà sẽ chi 230 tỷ đồng với mục tiêu đến năm 2013 có 100% trẻ 5 tuổi, 70% trẻ 3-4 tuổi và 25% trẻ dưới 3 tuổi được đến lớp.

Đề án cũng đưa ra kế hoạch đến năm 2013 sẽ có thêm 20 trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia và xây đủ phòng học cho học sinh mẫu giáo, nhưng chỉ là cho học sinh 5 tuổi và không hề nhắc đến chuyện xây trường mầm non tại KCN.

Nhà nước cần có quy định là khu công nghiệp đóng trên địa bàn nào thì phường, xã ở đó buộc phải mở đủ lớp trên đầu trẻ thuộc địa bàn. Trái quy định, địa phương sẽ bị phạt. Hoặc quy định khu công nghiệp phải có cơ chế để hỗ trợ đời sống cho công nhân của mình trong việc xây dựng nơi trông trẻ…Cần có sự phối hợp: Nhà nước – nhà trường - địa phương – doanh nghiệp thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.

TS Đinh Đoàn - quyền Hiệu trưởng
Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem