Anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về làm du lịch cộng đồng hút khách, có cái bể bơi bên suối

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 17/08/2023 18:57 PM (GMT+7)
Tận dụng thế mạnh tại địa phương cùng với niềm đam mê du lịch, anh Lê Văn Thư (xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã quyết định bỏ nghề cơ khí về phát triển du lịch cộng đồng, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày.
Bình luận 0

CLIP: Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh Lê Văn Thư, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Kiều Hải

Bỏ nghề cơ khí về làm du lịch cộng đồng

Sau hơn chục năm gắn bó trong lĩnh vực kinh doanh cơ khí, anh Lê Văn Thư (xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bất ngờ chuyển sang phát triển du lịch cộng đồng.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Thư cho biết, trước đây bà con trong vùng chủ yếu trồng chè và chế biến chè nên rất vất vả mà thu nhập lại không cao. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, một số hộ đã tận dụng lợi thế của địa phương để chuyển sang phát triển mô hình du lịch cộng đồng theo hướng tự phát.

Đam mê du lịch cộng đồng, anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về đầu tư mô hình, khách đến nườm nượp - Ảnh 2.

Khu du lịch cộng đồng của gia đình anh Thư hiện có tổng diện tích 1.500m2. Ảnh: Hà Thanh

"Bản thân tôi cũng nhận thấy tại địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch, cộng với niềm đam mê du lịch từ lâu, năm 2019 tôi đã quyết định đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại gia đình" - anh Thư tâm sự.

Tuy nhiên, thời điểm đó đúng lúc dịch Covid-19 nên gia đình anh Thư đã gặp nhiều khó khăn vì bỏ vốn đầu tư nhưng không có khách đến. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết định duy trì mô hình này từ đó đến nay. Sau hai năm khi dịch bệnh lắng xuống, cơ sở của anh Thư bắt đầu hoạt động trở lại với lượng khách ổn định.

Đến với mô hình du lịch này, anh Thư mong muốn sẽ tạo cảnh quan và môi trường trong lành, không gian yên tĩnh để cho du khách từ khắp nơi có thể đến đây nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.

Đam mê du lịch cộng đồng, anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về đầu tư mô hình, khách đến nườm nượp - Ảnh 3.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại đồi chè của gia đình anh Thư. Ảnh: Hà Thanh

Hiện, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh Thư với các loại hình dịch vụ như: Nhà hàng ăn uống, khu nghỉ dưỡng lưu trú homestay, khu bể bơi, cây xanh và hoa. Với tổng diện tích khoảng 1.500m2 các loại hình dịch vụ như vậy, trung bình mỗi lượt, khu du lịch của có thể phục vụ khoảng 70 khách ăn uống và đủ sức chứa cho 70 khách lưu trú tại chỗ với nhiều mức giá phù hợp cho từng đối tượng khách hàng.

Đam mê du lịch cộng đồng, anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về đầu tư mô hình, khách đến nườm nượp - Ảnh 4.

Khu bể bơi của gia đình anh Thư thu hút nhiều khách đến trải nghiệm. Ảnh: Hà Thanh

Theo anh Thư, ở khu vực La Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng như: Có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành, cây cối nguyên sinh. Điều ấn tượng là ở đây có dòng suối Kẹm với nguồn nước mát lạnh chảy từ chân dãy núi Tam Đảo về. La Bằng còn là nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, có ngôi chùa Thanh La phù hợp với phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt, nơi đây có vùng chè nổi tiếng được sản xuất theo quy trình hữu cơ, rất phù hợp để du khách tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, anh Thư còn liên kết với một số đơn vị, một số điểm du lịch khác thuộc huyện Đại Từ như suối Cửa Tử (xã Hoàng Nông), thác Đát Ngao (xã Quân Chu) và khu du lịch Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) để phát triển du lịch theo chuỗi.

Thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan/ngày

Anh Thư cho biết, du khách thường đến vui chơi nghỉ dưỡng tại khu du lịch cộng đồng của gia đình anh Thư từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Sau khoảng thời gian đó, gia đình anh sẽ quay trở lại với công việc chăm sóc, sản xuất và chế biến chè để phục vụ cho mùa du lịch năm sau.

Đến với mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh, bên cạnh trải nghiệm những dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và bể bơi, du khách còn có dịp được trải nghiệm, checkin cùng bà con hái chè, sao chè rất thú vị. Vào những lúc cao điểm, gia đình anh Thư đón từ 60 – 120 lượt du khách đến tham quan mỗi ngày. Với lượng khách đó, trung bình mỗi tháng gia đình anh Thư có lợi nhuận khoảng 80 – 100 triệu đồng.

Đam mê du lịch cộng đồng, anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về đầu tư mô hình, khách đến nườm nượp - Ảnh 5.

Du khách đến trải nghiệm được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ tại khu du lịch. Ảnh: Hà Thanh

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, theo anh Thư, trong quá trình phát triển mô hình du lịch cộng đồng, gia đình anh cũng gặp phải một số khó khăn như vốn đầu tư, đường sá, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch. Do đó, anh Thư mong muốn được các cấp, ngành địa phương quan tâm tạo điều kiện để các hộ dân trong vùng phát triển thuận lợi mô hình du lịch cộng đồng này.

Trong thời gian tới, để thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách, anh Thư sẽ đầu tư thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí và du lịch theo tour trên dòng suối Kẹm và rừng nguyên sinh của vườn Quốc gia Tam Đảo. Đồng thời, mở rộng dịch vụ ăn uống, lưu trú tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đam mê du lịch cộng đồng, anh thợ cơ khí Thái Nguyên bỏ nghề về đầu tư mô hình, khách đến nườm nượp - Ảnh 6.

Anh Thư nuôi cá tầm để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hà Thanh

Với mô hình du lịch cộng đồng như hiện nay, gia đình anh Thư đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng của gia đình, anh Thư còn tuyên truyền, vận động bà con trong vùng liên kết phát triển mô hình này để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem