Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây

Tứ Quý Thứ sáu, ngày 31/05/2024 13:25 PM (GMT+7)
Trong 2 trận mưa lớn mới đây, điểm ngập nặng nhất tại khu vực chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là trên đường Dương Văn Cam với mức ngập sâu đến nửa người và kéo dài cả giờ.
Bình luận 0

Ngập nặng nhất chỉ... 50cm 

Sáng 31/5, UBND TP.Thủ Đức đã tổ chức Tọa đàm thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Ông Lưu Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức cho biết, trên địa bàn TP.Thủ Đức đang có 37 điểm ngập, 24 điểm theo dõi ngập. Trong đó, TP. Thủ Đức quản lý, giải quyết 26 điểm ngập, 20 điểm theo dõi ngập và các Sở ngành TP quản lý, giải quyết 11 điểm ngập, 4 điểm theo dõi ngập.

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường quanh chợ Thủ Đức bị ngập nặng, cống bung trong mưa. Ảnh: T.Q

Đến nay, sau khi đã giải quyết được nhiều điểm, trên toàn bộ địa bàn TP.Thủ Đức còn lại 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập.

Hiện có một số khu vực tập trung nhiều điểm ngập cần tập trung giải quyết ngay gồm khu vực phường Thảo Điền với 3 điểm ngập là đường Thảo Điền; đường Quốc Hương; đường Trần Ngọc Diện.

Khu vực phường Hiệp Phú - Tăng Nhơn Phú A với 2 điểm ngập là đường Lê Văn Việt và đường Lã Xuân Oai.

Khu vực phường Linh Tây, Trường Thọ (Khu vực Chợ Thủ Đức) với 3 điểm ngập là đường Dương Văn Cam; đường Đặng Thị Rành; đường Kha Vạn Cân. Đây là khu vực được cho ngập nặng nhất ở TP.Thủ Đức mỗi lần mưa lớn, khiến người dân khu vực này luôn than phiền vì không những đường ngập mà nhà cũng bị ngập.

Cụ thể, trong ngày 15/5 và 20/5 vừa qua đã xảy ra trận mưa lớn với vũ lượng hơn 120mm khiến khu vực chợ Thủ Đức bị ngập nặng đến thắt lưng người lớn, lút yên xe máy. 

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 2.

Ngập lút xe máy, gần nửa thân người lớn trên đường Dương Văn Cam, ngày 20/5. Ảnh: G.S

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của UBND TP. Thủ Đức, khu vực chợ sâu nhất chỉ... 50cm. Cụ thể theo báo cáo, điểm ngập nặng nhất trên đường Dương Văn Cam (từ hẻm 17 đến số nhà 49) chỉ 50cm, với thời gian ngập là 40 phút, diện tích ngập là 1.500m2.

Các tuyến đường còn lại quanh chợ Thủ Đức, như Đặng Thị Rành, Lê Văn Ninh ngập sâu nhất 30cm; Hồ Văn Tư ngập 20cm, Kha Vạn Cân ngập 25cm.

Những nguyên nhân gây ngập được chính quyền TP.Thủ Đức ghi nhận là do một số tuyến đường, hẻm chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, có cao độ mặt đường thấp hơn so với các tuyến đường, hẻm và khu vực xung quanh; hệ thống thoát nước lỗi thời; dự án đã triển khai thi công nhưng chậm, do ảnh hưởng bởi triều cường...

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 3.

Ngập hơn đầu gối trên đường Đặng Thị Rành, chiều 15/5. Ảnh: T.Q

Đặc biệt, khu vực chợ Thủ Đức ngập rất nặng có độ dốc tự nhiên như Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân,... đã gây ngập trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ mới thoát được hết nước. Nguyên nhân ngập được cho là do lượng mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn, còn khu vực chợ Thủ Đức lại giống như một lòng chảo.

Trong khi đó, hệ thống thoát nước có đường kính nhỏ, việc thoát nước kém, các dự án thoát nước như Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành cũng chưa được triển khai đồng bộ. Khi lượng nước đổ về Chợ Thủ Đức rất lớn nhưng nước không thể thoát nước ra kênh cầu Ngang, dẫn đến áp lực nước lớn gây bung nắp cống trong 2 trận mưa vừa qua.

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 4.

Nhiều chuyên gia đề xuất giải pháp chống ngập cho TP. Thủ Đức tại Tọa đàm

Ông Mai Hữu Quyết - Phó chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, TP.Thủ Đức có hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Vừa qua, có những trận mưa gây ngập 0,5m, gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và kinh doanh. Vì vậy, TP. Thủ Đức rất mong muốn tìm ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh các dự án, triển khai sớm hơn để giải quyết ngập cho TP.Thủ Đức.

Các chuyên gia đề xuất giải pháp chống ngập

Nói thêm về tình trạng nắp cống bung, nước trào lên dữ dội, tiến sĩ Ngô Châu Phương - Phân hiệu Đại học Giao thông vận tải cho rằng, khu vực chợ Thủ Đức thấp, khi lượng mưa đổ xuống với áp lực rất lớn lại đột ngột nên cống bung lên là bình thường. Hơn nữa, cống rạch cầu Ngang thoát nước cũng rất khó, nên chăng có thể nâng thêm kích thước để chứa nước tạm thoát ra những kênh lớn hơn.

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 5.

Đường quanh khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên bị ngập nặng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn

Về quy hoạch chống ngập, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, điều chỉnh quy hoạch chung TP cũng có chiến lược tổng thể với các phương án chống ngập, chia làm 4 vùng, có phương án thoát mưa bền vững. Hiện, có nhiều chuyên gia đã đề xuất hành lang kiểm soát ngập.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, hiện, Quy hoạch 1547 năm 2008 Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đang được TP đang triển khai và áp dụng, song không còn phù hợp. Đã có thông tin xây dựng hồ điều tiết, tăng diện tích thấm liệu rằng có triển khai được không. Do đó, đại diện Sở này cũng đề nghị các chuyên gia góp ý thêm về thực trạng hiện nay, các giải pháp để cùng triển khai, kiến nghị trong thời gian tới.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Song Giang - Đại học Bách Khoa cho rằng, cách ứng xử với địa hình là vô cùng quan trọng, đặc biệt là không để xảy ra điều bất lợi với khu vực chợ Thủ Đức.

Theo ông Giang, hiện nay tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa đang diễn ra rất cao. Cụ thể, mực nước ở rạch cầu Ngang, rạch Thủ Đức (năm 2020) đã trong giai đoạn quá tải, do quy hoạch đường giao thông không thuận lợi nên nước tập trung về chợ Thủ Đức, lúc này khả năng tiêu thoát nước không kịp.

Chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức là... hạn chế nước đổ dồn về đây- Ảnh 6.

Nhiều giải pháp chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức, trong đó có giải pháp chia nước đi các khu vực khác để nước thoát nhanh hơn tại khu vực chợ. Ảnh: T.Q

"Do đó, giải pháp giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức cần hạn chế nước không cho về khu vực này. Đồng thời, giải quyết cục bộ cho cả khu vực này, cải tạo các rãnh kết nối để tiêu thoát nước nhanh nhất. Tôi có làm thử một tính toán là giảm nước về chợ Thủ Đức, chia nước cho các hướng khác như chống tràn nước trên mặt cũng đã giảm ngập được 5cm. Tuy nhiên, để giải quyết cần phối hợp tổng thể mới có thể giảm ngập cho khu vực này", TS Giang nói và cho biết, trước mắt cần có bài toán nạo vét kênh rạch Thủ Đức, rạch cầu Ngang. Trường hợp nếu thoát nước không kịp và triều cường dâng cần sử dụng trạm bơm để thoát nước ra ngoài.

Còn PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang - Viện phó Viện Môi trường và Tài Nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ TP.HCM đang triển khai theo quy hoạch 752, hiện đang làm theo quy hoạch mới. Các góc tiếp cận thoát nước đã cũ, không còn phù hợp và cần thay đổi.

Theo TS Quang, nhìn nhận dài hạn, nếu không làm gì hết TP.Thủ Đức sẽ ngập trầm trọng hơn khi hiện nay lượng mưa và trận mưa ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng lũ và nước biển dâng, bê tông hóa càng làm tình trạng ngập nặng hơn. Hiện, hạ tầng hệ thống thoát nước cũng đã xuống cấp, TP.HCM cần có một Đề án nghiên cứu tổng thể từ lượng nước, hệ thống thoát nước ra sao... để đưa ra bài toán ứng xử.

"Chúng ta không thể phán đoán mà không có một số liệu cụ thể. Đồng thời, cần có hướng thoát nước nhanh hay chậm, tăng khả năng thấm, trữ nước mưa và cả tái sử dụng nước mưa để ứng xử", TS Quang nêu giải pháp.

Về lâu dài, TS Quang nêu giải pháp là cần phân bổ lại lưu vực để đưa nước ra ngoài, tách nước ra khu khác nhưng không để gây ngập cho khu vực khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem