Theo Thanh Hiếu - PetroVietnam
Thứ bảy, ngày 10/12/2022 13:05 PM (GMT+7)
Bằng tất cả sự trân trọng, tôi đặt bút viết những dòng này sau khoảng thời gian được trải nghiệm trên cụm giàn dầu khí xa nhất trên Biển Đông: Hải Thạch - Mộc Tinh.
Ở nơi đó,trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là bạc đầu sóng cả mùa gió chướng vỗ ầm ào nơi chân đế giàn khoan, cũng là nơi tôi gửi lại cả miền nhớ thương cho những con người ngày đêm miệt mài "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc".
Kỳ 1: Hải Thạch Mùa gió chương
Chiến thắng bão tố trên biển khơi
Đêm đầu tiên tôi ở trên giàn Hải Thạch, trăng rằm lấp ló phía xa nơi ngọn flare (đuốc đốt). Nhưng chỉ 10 phút sau, những cơn gió thổi mịt mù mây che mất ánh trăng. Rồi 10 phút sau lại mưa, gió mạnh thổi những hạt nước mưa vào cửa kính kêu chan chát. Thời tiết thay đổi rất thất thường. Hải Thạch đang vào mùa gió chướng.
Gió chướng là một cách gọi khác của người dân Nam Bộ về gió mùa Đông Bắc. Bản thân từ "chướng" cũng lột tả được một phần sự dữ dội, trái khoáy của loại gió này ở vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ngoài khơi, vào mùa gió chướng, hiếm có ngày gió lặng, sóng êm.
Hơn 10 năm trước, những chương cuối của khúc tráng ca mang tên "Biển Đông 01" đã được xướng lên trong mùa gió chướng như thế này, chính xác hơn là trong mùa biển khơi bão tố. Trong ký ức của những người tham gia từ đầu Dự án Biển Đông 01 để xây dựng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, những cơn bão biển không thể nào quên.
Ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), nguyên Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) - doanh nghiệp quản lý cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh - kể lại: "Những cơn bão nối tiếp nhau như thách thức sự kiên trì và lòng dũng cảm của những người thợ dầu khí Việt Nam. Lúc kéo giàn ra biển, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin dự báo thời tiết là có bão rồi. Thế nhưng sau đó có đến 3 cơn bão khác kéo đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ngoài tính toán của các nhà dự báo quốc tế. Trên đường đi gặp bão. Ra đến nơi, khi cẩu giàn lên cũng lại gặp bão, phải dừng lại, sau đó mới cẩu tiếp. Cuối cùng cũng lắp đặt được giàn thành công. Giờ phút giàn được lắp vào chân đế rồi hoàn thiện, đối với BIENDONG POC, đó chính là một mốc son lịch sử".
Đó là thành quả rất đáng ghi nhận. Nhưng trước đó, việc quyết định tiếp nhận từ BP và triển khai dự án ở vùng biển có địa chất phức tạp, chưa từng có tiền lệ khai thác thành công trên thế giới, cũng đã là một quyết định vô cùng táo bạo. Đã có nhiều bài báo ngợi ca về dự án này, nhưng những người hiện đang tiếp tục viết khúc tráng ca hào hùng trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh cũng cần được nhắc đến. Bởi lẽ, quản lý, vận hành một cụm giàn trên nền địa chất đặc biệt phức tạp để đem về cho đất nước trung bình mỗi ngày 1 triệu USD không phải đơn giản.
Ngoài sự choáng ngợp về sự kỳ vĩ của cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, ấn tượng nhất với tôi vẫn là giây phút hát quốc ca trên sân trực thăng của giàn xử lý khí trung tâm PQP. Tôi từng được chứng kiến lễ thượng cờ, hát quốc ca đầu tiên trên tàu ngầm 182 - Hà Nội, từng chứng kiến lễ chào cờ tại đài hương 468 tại Vị Xuyên, Hà Giang, rồi rất nhiều những lễ chào cờ ở những địa điểm theo dọc dài biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Nhưng giây phút được đặt tay lên trái tim, hùng dũng hát vang quốc ca Việt Nam giữa mênh mông biển trời, hòa lẫn tiếng sóng biển, vẫn là một cảm giác rưng rưng không thể nào quên.
Khát vọng cống hiến cho Tổ quốc
6 giờ, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng loa từ hệ thống thông tin trên tàu phát đến tận giường ngủ, báo hiệu đã đến giờ tập thể dục, ăn sáng, chuẩn bị cho việc đổi ca vào 6 giờ 30 phút. Những kỹ sư, công nhân trên giàn Hải Thạch làm việc 12 tiếng một ngày, liên tục trong 21 ngày, về bờ nghỉ 21 ngày, rồi lại ra khơi. Người dầu khí gọi là chế độ "21 off" và "21 on". Người ta đồn lương của lao động ngoài giàn khai thác dầu khí cao lắm, nhưng chỉ là cao hơn mức bình thường trong những ngày làm việc ngoài giàn vì có thêm phụ cấp đi biển, còn khi về bờ thì lại trở về với mức lương cơ bản. Cộng cả 2 khoản đó chia đôi thì sẽ ra mức thu nhập không phải quá cao.
Dù bây giờ, ngoài giàn khai thác dầu khí điều kiện ăn ở đã tốt hơn, nhưng người đi giàn luôn phải đối mặt với trạng thái lao động cường độ cao liên tục, rất căng thẳng, thậm chí nhiều người thợ dầu khí ngoài biển phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Họ còn ngày ngày đối mặt với sóng cả, gió lớn và rưng rức nỗi nhớ thương gia đình, vợ con. Những thứ ấy liệu có thể đong đếm được bằng tiền?
Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm nói với tôi rằng, 7 ngày đi biển cuối cùng là 7 ngày mệt mỏi nhất, nhưng cũng nhiều hy vọng nhất. Hy vọng ở đây là đếm ngược ngày được về với gia đình, vợ con và hòa vào cuộc sống đời thường cho mình đỡ "ngố". Nhưng 21 ngày ở đất liền nhanh lắm, không đằng đẵng như 21 ngày trên biển. Chưa kể, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, anh từng đi biển liền 7 tuần. Tôi hỏi anh: "Nhiều khó khăn như thế, điều gì khiến anh gắn bó với biển khơi?". Anh Lâm bảo, đó xem như là cái nghiệp và anh muốn đóng góp sức cho đất nước theo cách của mình.
Những người như giàn trưởng Đoàn Mai Lâm và những anh em khác trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh đang miệt mài, cần mẫn với công việc của mình để cho ngọn đuốc đầu giàn luôn cháy. Ngọn đuốc ấy đã trải qua hàng ngàn đêm không tắt, trải qua cả bão giông, nắng mưa - như sứ mệnh của những kỹ sư trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh là đương đầu với sóng gió để hát khúc tráng ca "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc" và truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộ
Hơn 10 năm trước, những chương cuối của khúc tráng ca mang tên "Biển Đông 01" đã được xướng lên trong mùa gió chướng, mùa biển khơi bão tố. Trong ký ức của những người tham gia từ đầu dự án Biển Đông 01 để xây dựng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, những cơn bão biển không thể nào quên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.