Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai bị khởi tố, bắt tạm giam
Tối 20/10, sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bồ Ngọc Thu về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Diễn biến tố tụng trên được thực hiện khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh này) về tội Nhận hối lộ.
Theo Bộ Công an, ngày 21/7/2010, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án và hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, các cán bộ của chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, đơn vị tư vấn lập dự án hồ sơ mời thầu, chấm thầu và đơn vị thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trang thiết bị gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Tội danh bà Bồ Ngọc Thu bị khởi tố có mức phạt cao nhất là 15 năm tù
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh bà Bồ Ngọc Thu bị khởi tố được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Theo bà Thơ, hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Trong thực tế, làm trái công vụ có thể là không làm trong trường hợp phải làm và có điều kiện để làm hoặc làm nhưng không đầy đủ hoặc làm ngược lại quy định hoặc yêu cầu của công vụ.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.
Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.
Về hình phạt, nữ luật gia cho biết, Điều 356 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Còn phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.