Hễ cứ đến dịp ngày lễ, ngày Tết là các hãng, các siêu thị đua nhau khuyến mãi. Không chỉ thế, mỗi ngày trên truyền hình, người dân luôn được chào mời kiểu hạ giá gây sốc, mua hai tặng một và những lời đường mật khác. Nghệ thuật bán hàng cũng như pháp luật cho phép người bán tìm đủ cách để thu hút người mua, miễn là lương thiện, không được dối trá.
Nhưng cái biên giới của "sự thật" và "dối trá" rất khó rạch ròi. Thuật "khuyến mãi" xuất hiện thường xuyên trong kinh tế thị trường, bán buôn cũng như bán lẻ.
Lúc đầu người dân hào hứng quan tâm vì cũng có người thật sự vớ bở khi đang cần thứ hàng gì mà lại mua trúng dịp hàng đó được khuyến mãi. Nhưng không phải ai cũng có may mắn. Phần đông người tiêu dùng nhận ra quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường và họ nhớ lại lời dạy khôn ngoan của cha ông: " Của rẻ là của ôi".
Họ dần hiểu rằng, khi người ta xả hàng bán "xon" là đồng nghĩa với thứ hàng đó (đặc biệt là quần áo và hàng điện tử, máy tính) đang lỗi thời, nếu không bán chạy thì sẽ nằm chật kho đến “Tết Công gô”! Cho nên không ít người bị hớ, mua rẻ nhưng thành đắt vì vừa mới mua mà đã cũ, đã lạc hậu.
Ngoài ra, không thể không nói tới những người bán bất lương, treo giá thật cao rồi "khuyến mãi", hạ xuống bình thường. Người mua tưởng hời nhưng không hẳn đã rẻ. Còn nữa, có những siêu thị tuồn hàng Trung Quốc kém chất lượng, hàng nhái để đánh lận con đen và nếu làm trót lọt thì tha hồ "khuyến mãi"!
Người mua chỉ thật sự cay đắng khi đưa hàng khuyến mãi ra dùng nhưng lúc đó mọi chuyện đã quá muộn. Khuyến mãi nhiều khi cũng đồng nghĩa với bán kèm hàng ế ẩm và làm rối tính toán của người mua. Họ mê giá rẻ thứ này nhưng lại phải miễn cưỡng và nhiều khi mất tiền toi với thứ bán kèm theo mà không biết dùng để làm gì.
Khuyến mãi hoặc "đại hạ giá" là hoạt động thường xuyên của kinh tế thị trường, có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu chuyển hàng hóa. Nhưng một nền kinh tế thị trường lành mạnh thì tất cả nghệ thuật mua bán đều phải dựa trên sự thật thà, có lợi cho cả đôi bên, người bán và kẻ mua. Người tiêu dùng đang dần trưởng thành lên, khôn ngoan hơn, họ còn có "Hội bảo vệ quyền lợi" cho mình.
Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, hàng hóa phải tương xứng với giá cả thì khuyến mãi mới gây được lòng tin. Trong đạo đức kinh doanh hiện đại, "của rẻ" nhiều khi không còn là "của ôi". Bởi vì kẻ mua, người bán đã thật sự gặp nhau trong trò chơi khuyến mãi, hai bên cùng có lợi. Người bán phải minh bạch trong khuyến mãi. Người mua có đầy đủ thông tin và chấp nhận khi hợp túi tiền của mình. Làm được thế nền kinh tế, nhất là thị trường bán lẻ sẽ bớt trì trệ và quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ sẽ khuyến khích tiêu dùng lành mạnh hơn.
Sông Thao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.