Chương trình điều chỉnh mức sinh: "Khuyến sinh" nhưng vẫn lo người dân lười đẻ

Tuấn Kiệt Chủ nhật, ngày 20/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Khuyến khích thanh niên lập gia đình trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con... là những điều mà dư luận mấy ngày qua bày tỏ quan tâm. Đây là nội dung ở “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt.
Bình luận 0

1001 lý do... lười đẻ, chậm kết hôn

Là dân di cư từ Cà Mau lên TP.HCM lập nghiệp, gia đình chị Trần Thị Thuận (33 tuổi, quận Tân Phú) cho biết, chị mới có 1 con và con đã 9 tuổi nhưng chị cũng chưa có ý định sinh con nữa. Chị cho biết, hai vợ chồng vừa ổn định công việc, vừa mua được 1 căn hộ, đang phải nai lưng làm ăn để trả nợ. Hơn nữa, việc nuôi con rất tốn kém, phải gắng lắm chị mới lo được cho con học hành "bằng bạn bằng bè" tại trường chất lượng.

"Ngày xưa ông bà có suy nghĩ "trời sinh voi trời sinh cỏ", "đông con là có phúc", nhưng giờ mình sinh con còn phải nuôi con có chất lượng, cho con ăn học tử tế. Như vậy tốn tiền lắm. Hơn nữa, bây giờ tôi mà có bầu là mất việc như chơi. Còn cuộc sống của mình nữa, phải dành tiền đi du lịch, đi hưởng thụ chứ không thể xoay quanh mỗi việc đẻ, nuôi và lo cho con cái được" - chị Thuận tâm sự.

"Khuyến sinh" nhưng vẫn lo người dân lười đẻ - Ảnh 1.

Sẽ có các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con (ảnh minh họa, chụp tại Quảng Nam). Ảnh: D.L

Vợ chồng chị Mai Thị Lan (công nhân ở Bình Dương) cũng chỉ sinh 1 con gái cho "biết đẻ". "Vợ chồng tôi là công nhân, lương chỉ đủ ăn, nuôi 1 đứa con đã cố gắng lắm rồi. Giờ đẻ nữa thì tôi phải nghỉ việc, một mình chồng tôi đi làm chẳng nuôi được 1 vợ 2 con. Đói nhăn ra đấy thì sao mà hạnh phúc, nên có kinh tế thì tôi đẻ, không thì chỉ cần 1 con thôi, trai gái đều tốt" - chị Lan cho biết.

Còn anh Nguyễn Thành Trung (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình anh giục giã chuyện anh lập gia đình nhưng anh cảm thấy "chưa đủ chín chắn": "Phải có tiền mua nhà, có tiền nuôi con thì mới tính đến chuyện lập gia đình. Tôi sợ lấy nhau về, kinh tế khó khăn lại hục hặc, mâu thuẫn. Người yêu tôi năm nay 28 tuổi nhưng cô ấy cũng không vội cưới hỏi. Chúng tôi yêu nhau, cùng thuê nhà sống chung với nhau, rảnh rỗi thì đi du lịch, cùng hưởng thụ cuộc sống. Bao giờ cảm thấy "mệt" thì lập gia đình, có con. Dù sao chúng tôi cũng chỉ định đẻ 1 đứa nên muộn một chút cũng không sao".

Hỗ trợ để "khuyến sinh" đủ 2 con

Mục tiêu của "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030"

Phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố

có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con)

Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao

(bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con)

Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế

(bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2- 2,2 con)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Việc điều chỉnh mức sinh cho phù hợp với vùng, đối tượng là do trong thời gian qua, "bức tranh" dân số của Việt Nam không đồng đều, nơi sinh nhiều, nơi đẻ ít, hơn nữa, thanh niên đang có xu hướng lập gia đình muộn.

Báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân số, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch hóa gia đình. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm, từ 6,39 con/phụ nữ (năm 1960) xuống còn 2,09 con/phụ nữ (năm 2006). Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Hơn nữa, xu thế hiện nay, ở nhiều thành phố lớn, người dân lại ngại đẻ, dẫn tới tỷ suất sinh ở thành phố giảm, còn một số vùng sâu vùng xa, gia đình nghèo lại vẫn đẻ nhiều.

Kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, TFR của cả nước năm 2019 là 2,09 con/phụ nữ. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). "Bức tranh" chung về mức sinh còn rất nhiều "mảng màu" khác biệt.

Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TPHCM (1,36 con). Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.

Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh khá cao, như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tỷ suất sinh ở mức trên dưới 3 con/phụ nữ. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 - 7 người con/phụ nữ.

Ngoài ra, nhiều thanh niên hiện nay có xu hướng lập gia đình muộn hoặc không lập gia đình. Việc kết hôn muộn, có con muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng dân số khi sức khỏe người mẹ không đảm bảo, con cũng có nguy cơ bị nhiều tai biến hơn.

Để thực hiện chương trình, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem