Kỳ lạ: Đất nước có gần 30 triệu con lợn, 559 triệu con gà vịt, vẫn mạnh tay nhập gà thải, thịt đông lạnh

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 16/03/2024 05:50 AM (GMT+7)
Lợn, bò, gà và sản phẩm chế biến cũng như đầu, cổ cánh, nội tạng được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam khiến doanh nghiệp chăn nuôi trong nước chịu nhiều áp lực, còn nông dân thì "chết dần" vì cạnh tranh không công bằng.
Bình luận 0

Vấn đề này vừa được 4 hiệp hội, gồm Hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm nêu trong văn bản gửi Thủ tướng. Theo các hiệp hội này, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn trước tình trạng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu gia tăng.

Văn bản dẫn số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Tức là con số nhập khẩu đang cao gấp gần 7 lần xuất khẩu. 

Ngoài con số nhập khẩu chính ngạch nêu trên, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu). Ước tính bình quân mỗi ngày có khoảng 6.000-8.000 con lợn được nhập vào Việt Nam, chưa kể còn nhập lậu nhiều trâu, bò, gà...

Đáng nói là có rất nhiều hàng thứ phẩm (nước ngoài ít dùng làm thực phẩm) như gà đẻ thải loại, đầu, cổ cánh, lòng mề, tim, cật, thậm chí sản phẩm gần hết hạn sử dụng cũng được nhập khẩu về. Những sản phẩm này có giá "siêu rẻ", xâm nhập vào mọi ngóc ngách thị trường khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh nổi. 

Kỳ lạ: Đất nước có gần 30 triệu con lợn, 559 triệu con gà vịt, vẫn mạnh tay nhập gà thải, thịt đông lạnh- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thống kê không đầy đủ, ước tính mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống thải loại và gà "4 không" (không đầu, không chân, không cổ cánh, nội tạng) được nhập vào nước ta. Ảnh: I.T

Trao đổi với PV Dân Việt chiều 15/3, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, đây không phải lần đầu tiên các Hiệp hội gửi kiến nghị, kêu cứu tới Chính phủ. 

"Người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao mà đầu ra thì thấp. Với vai trò của Hiệp hội, chúng tôi đề xuất kiến nghị để các cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm góp phần giải quyết các bất cập của ngành" - ông Dương nói. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, năng lực sản xuất sản phẩm chăn nuôi trong nước rất lớn, với tổng đàn lợn gần 30 triệu con; đàn gia cầm 559 triệu con, chưa kể còn hàng triệu con trâu, bò, dê, cừu... Tiêu dùng trong nước đang dư thừa, tuy nhiên các giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước cũng như xúc tiến xuất khẩu chưa có hiệu quả rõ nét.

"Hiện nay chúng ta đã có Luật Chăn nuôi, có Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045, nhưng điều quan trọng là thực hiện như thế nào? Khâu tổ chức thực hiện đang còn tồn tại nhiều vấn đề, do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành và địa phương. Đặc biệt là chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả sản phẩm nhập lậu. Đã nhập lậu thì giá rất rẻ, sản phẩm chăn nuôi trong nước làm sao cạnh tranh được? Người chăn nuôi không có lãi, động lực sản xuất mất đi thì ngành chăn nuôi sẽ mãi bấp bênh, không bền vững" - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Chưa kể hàng loạt container cổ cánh, lòng mề và các loại phụ phẩm đông lạnh khác được nhập về dưới dạng "tạm nhập tái xuất".

Ông Dương cho biết, theo quy luật thì có cầu ắt có cung, do đó cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Ở các nước phát triển, họ coi đó là thứ phẩm, kém dinh dưỡng, trong khi chúng ta lại thấy đó là những món khoái khẩu. 

"Ví dụ với sản phẩm gà đông lạnh đã bỏ đầu, chân và nội tạng - đó là gà đẻ loại thải. Người ta khai thác trứng trong khoảng 2 năm, trong quá trình đó con gà dùng nhiều loại thuốc, kháng sinh nên họ không khai thác thịt, vậy mà chúng ta vẫn nhập về ăn. Tôi cho đó là dinh dưỡng không an toàn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia" - ông Dương bày tỏ lo ngại.  

Các Hiệp hội cũng cho rằng, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, 3- 5 năm tới khi các loại thuế nhập khẩu về 0%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Chưa kể, việc nhập khẩu ồ ạt cũng gây nhiều rủi ro, lan truyền dịch bệnh nguy hiểm như tả lợn châu Phi, cúm gia cầm...

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, ở nhiều nước phát triển không chủ trương mở nhiều cửa khẩu. Trong khi đó dọc biên giới nước ta có rất nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, đường mòn lối mở. Do đó, ông Dương cho rằng Việt Nam cần sớm có các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan, chính sách thương mại để hạn chế nhập chính ngạch và có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn hàng lậu qua đường tiểu ngạch.

Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem