"Kỉ lục buồn" của ngành điều: Giá điều tươi rơi... thẳng đứng!

Thiên Ngân (T.H) Thứ năm, ngày 28/03/2019 06:06 AM (GMT+7)
Đang vào mùa thu hoạch nhưng giá điều rớt thê thảm, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nghịch lí là sản lượng điều trong nước chỉ khoảng 400.000 tấn, trong khi nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (DN) hằng năm lên đến khoảng 1,5 triệu tấn.
Bình luận 0

"Kỉ lục buồn" của ngành điều

Những ngày qua, giá điều tươi thu mua tại vườn ở Bình Phước chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nếu giao đến nhà máy thì có giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, trong kjhi giá điều khô tại kho cũng chỉ đạt khoảng 36.000 đồng/kg.

So với năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, điều khô tại kho lên đến 50.000 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, giá điều vẫn đang đà đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi.

img

So với năm ngoái, hiện cả giá điều tươi và điều khô của Việt Nam đều đã giảm gần một nửa. Ảnh: Telegraph

Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam. Sản phẩm hạt điều đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia, vùng lãnh thổ và nổi tiếng nhờ chất lượng cao, có tính đặc trưng so với hạt điều vùng khác. Toàn tỉnh hiện có hơn 134.000ha, chiếm gần 50% diện tích cả nước; tổng sản lượng đạt gần 150.000 tấn chiếm 50% sản lượng của cả nước; có gần 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều; có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 81.000 tấn, trị giá hơn 807 triệu USD. 

Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến, tỉnh phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Hiện 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của tỉnh đã phải đóng cửa.

Ông Trần Hữu Hậu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Hiệp hội Điều Việt Nam tính toán, mức giá này đã tăng nhẹ so với đợt rớt thấp kỷ lục hồi cuối tháng 2: Điều tươi chỉ còn 20.000 - 24.000 đồng/kg do thời điểm đó các nhà máy chế biến điều vẫn còn nghỉ tết. Hiện vào mùa thu hoạch rộ, nhiều chủ vườn lo giá càng thấp càng dễ bị thương lái ép giá hoặc chiếm dụng vốn bằng cách "mua chịu", chủ vườn nào không chấp nhận "bán chịu" thì thương lái không mua.

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2018 có một kỷ lục buồn trong lịch sử ngành khi hàng trăm tấn điều thô nhập khẩu về Việt Nam phải nằm chờ tại cảng và kho ngoại quan do chất lượng xấu hơn mọi năm và khó khăn về tín dụng của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. Giữa năm 2018, giá điều nhân thế giới xuống thấp trong khi giá nguyên liệu đứng ở mức cao khiến rủi ro trong chế biến điều tăng, do đó các ngân hàng đã siết chặt cho vay tín chấp nhập khẩu điều thô, nhất là với các DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường.

Thiếu vốn, các DN buộc bán tháo điều nhân để thu tiền mặt, đẩy giá điều nhân xuống sâu làm thị trường thêm bất ổn.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2018, Việt Nam xuất khẩu điều nhân đạt 391.000 tấn, tăng 7,8% về lượng nhưng kim ngạch chỉ đạt 3,52 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy giá điều nhân giảm do tăng sản lượng xuất khẩu.

img

 Nhà vườn lo lắng vì giá điều tươi quá thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Ảnh: P.V

Lo giá giảm sâu hơn

Ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông lâm sản Phương Minh, cho biết thời điểm này, các DN mới nhập khẩu số lượng ít nguyên liệu điều về Việt Nam mà giá điều trong nước đã rớt thê thảm như vậy, nếu thời gian tới nhập số lượng lớn sẽ đẩy giá điều trong nước giảm sâu hơn.

Cũng theo ông Cầm, giá điều nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá điều thô ở châu Phi chào bán ở mức 1.300 - 1.400 USD/tấn, giảm 600 - 700 USD/tấn so với năm ngoái. Giá điều nhân thế giới cũng giảm mạnh, từ 9.000 USD/tấn xuống còn 7.500 USD/tấn.

Ông Cầm thông tin thêm, cả năm qua, ngành điều rơi vào tình trạng lỗ triền miên, nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa dài hạn. Trước đây, DN nhập hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tấn điều nguyên liệu nhưng từ đầu năm đến nay, các DN chỉ nhập vài trăm tấn, đủ để sản xuất.

"DN có tâm lý chờ giá điều thế giới giảm thêm. Mặt khác, hầu hết DN ngành này phụ thuộc vốn ngân hàng, giờ ngân hàng ngại cho vay vì rủi ro cao nên DN không có tiền nhập nguyên liệu" - ông Cầm nói.

Ông Nguyễn Thế Phiệt, đại diện Công ty Tanmodial, một nhà cung cấp điều thô lớn cho Việt Nam, khẳng định năm 2019 sẽ áp dụng mức tiền cọc 30% (thông thường khoảng 10% - PV) để hạn chế rủi ro cho bên bán.

"Những DN uy tín có thể đặt cọc ít hơn nhưng 90% DN sẽ phải chịu mức cọc cao. Năm 2018, nhiều DN Việt Nam đặt mua nguyên liệu nhưng lại hủy hợp đồng, hoãn hợp đồng, bỏ cọc, khất nợ, giãn nợ thậm chí không nghe điện thoại. Đây là bài học rất lớn cho DN kinh doanh điều thô, chúng tôi đã bị mất hàng trăm triệu USD trong năm qua. Tôi đề nghị DN Việt Nam đặt hàng phải lấy hàng, nếu không thì ngồi lại thương lượng ở mức chấp nhận được. Tín dụng cho ngành điều đang bị siết khắp trên thế giới. Bây giờ, DN nào có tiền thì mua hàng về sản xuất, đừng trông chờ vào vốn vay ngân hàng" - ông Phiệt gợi ý.

Về điều nhân, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các chuyên gia dự báo giá sẽ tiếp tục trầm lắng cho đến hết tháng 4/2019 khi các nhà rang chiên bắt đầu hợp đồng mua hàng cho năm 2019. Năm nay, các nhà rang chiên và tiêu thụ Âu Mỹ đã áp dụng chiến thuật không mua xa như các năm trước, đặt ra tình thế khó khăn cho nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam.

Trước tình hình này, Vinacas cho rằng các nhà sản xuất phải tích cực tìm thị trường tiêu thụ nhân, đồng thời cần có một giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng-vệ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng đúng hạn, hoàn thiện chứng từ xuất khẩu nhanh và chính xác, chấn chỉnh dịch vụ hậu mãi,…

Về thị trường đầu ra, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn cho rằng, năm 2019 tiêu thụ điều không tăng đột biến, trong khi nguồn cung tăng.

"Mỹ là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam (32%) và họ đang chờ giá rẻ hơn để mua vào. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho hạt hạnh nhân (cùng phân khúc cạnh tranh với hạt điều nhưng giá rẻ hơn) khó xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc, buộc các DN phải bán ra ở thị trường Mỹ. Đây cũng là một trong những lí do khiến ngành điều Việt Nam và cả thế giới cùng gặp khó khăn. 

3 giải pháp cho ngành điều 

img

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm dây chuyền sản xuất, chế biến hạt điều Phúc An, ở thị xã Phước Long, Bình Phước, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Quan điểm của Bộ NN&PTNT là không tăng diện tích sản xuất, không tăng diện tích cây điều, giữ nguyên 300.000ha như hiện nay. Xây dựng quy trình thích ứng cho từng tiểu vùng điều trọng điểm là Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam trung bộ. Mỗi tiểu vùng có một bộ quy trình phù hợp, kèm theo mỗi bộ quy trình là một cơ cấu giống hợp lý với phương thức canh tác sạch: một phần hữu cơ tiến tới hữu cơ. 

Thứ hai, tập trung phát triển chế biến sâu, đầu tư, khuyến khích DN tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư mũi nhọn. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, trong đó vai trò của DN chủ động liên kết với nhau, liên kết với nông dân đóng vai trò rất lớn. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đặc biệt DN chú trọng đến việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

Thứ ba, phải tổ chức, đưa tiến bộ KHKT vào quy trình trồng chăm sóc, khắc phục cho được yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu như mưa trái mùa, sâu bệnh. Áp dụng phương thức canh tác, mỗi giống điều phù hợp với từng tiểu vùng.

Tất cả những bất hợp lý, những nút thắt phải được tháo gỡ thì ngành điều mới phát triển đúng tầm. Hiện nay, trong các nhóm giải pháp phát triển cây điều, thì giải pháp khoa học kỹ thuật được chú trọng hàng đầu.

(Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem