Kịch Hà Nội đã nặng duyên tình

Nhà văn Chu Lai Thứ năm, ngày 21/08/2014 11:38 AM (GMT+7)
LTS: Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập vào ngày 28.8 tới. Nhân dịp này, nhà văn, nhà biên kịch Chu Lai đã gửi tới NTNN bài viết riêng về một sân khấu kịch giàu truyền thống của người Hà Nội.  
Bình luận 0

Hà Nội đêm trở gió

Thường mỗi tác giả đều có duyên với một nhà hát nào đó, cũng như mỗi nhà văn thường có nhà xuất bản "tủ" của mình. Tôi chả biết có duyên không, nhưng có một dạo tôi được dựng liền tù tì đến 3 vở kịch nói của Nhà hát Kịch Hà Nội, liên tiếp trong 3 năm: “Hà Nội đêm trở gió” (1993), “Ăn mày dĩ vãng” (1994), “Người mẹ tự cháy” (1995) đều do NSƯT Hoàng Quân Tạo đạo diễn.

Bắt đầu từ văn. Năm đó, tôi vừa viết xong cuốn tiểu thuyết “Phố”, rồi không hiểu ai quan hệ, cuốn sách được giới thiệu lên Đài Truyền hình Việt Nam, hình như mục “Mỗi ngày một cuốn sách”. Tưởng chỉ vậy là xong, ai ngờ một buổi sáng mùa đông, có một người trung tuổi xưng là Hoàng Quân Tạo - đạo diễn, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội tìm đến tận nhà đặt vấn đề tôi chuyển nó ra kịch. Ông Tạo thì tôi biết, ông có giao du, quan hệ công việc với cả ông bố và ông anh tôi (Học Phi, Hồng Phi) nên tôi nhận lời. Câu chuyện đã thuộc làu trong óc, nên tôi chỉ chuyển một tuần là xong.

Đưa cho ông hôm nay, ngày mai ông “ok” liền, lại còn kéo cả vị đạo diễn kiêm Phó Giám đốc cằm vuông, lông mày rậm Nguyễn Quốc Toàn cùng ra quán bia hơi Hàng Phèn đàm đạo. Và trong sóng sánh men bia, chính vị phó này đã gợi ý cho tôi nên đặt tên kịch là “Hà Nội đêm trở gió”. Tôi gật liền. Vì tôi vốn dĩ có tiếng là kẻ “thâm canh nước uống cả cặn”. Văn chuyển ra kịch rồi chuyển tiếp ra phim, một mình độc quyền không được ai can thiệp vào. Hơn nữa, văn may lắm thì có vài chục vạn độc giả, kịch có thể ít hơn nhưng lại có cái thú là đêm đêm đến rạp, ngồi ở một góc sau cùng, lim dim mắt nghe trai thanh gái lịch ra rả đọc văn của mình thì còn gì bằng.

Lần đầu tiên dựng kịch ở Hà Nội, nên tôi phấn khích lắm, toàn những khuôn mặt sáng giá của kịch trường Việt Nam cả, thỉnh thoảng đến rạp Công Nhân xem, góp ý, sửa lời mà thấy ấm cúng như trong gia đình. Hoàng Dũng khi đó chưa làm quản lý, nói: “Em thích vai Lẫm đào vàng quá, có da có thịt hết rồi, em chỉ đắp thêm vào một tý là đầy!” Và quả Hoàng Dũng diễn vai ấy đầy thật.

Chà, với những tấm tình chân thật và khiêm nhường như thế, ai chả muốn đầu tư vở. Song phải bắt đầu từ sự tận tụy của ông giám đốc. Đã dựng nhiều đoàn, nhiều nơi, tôi chưa thấy một ông đoàn trưởng nào tận tụy đến lam lũ đến khổ ải như ông chỉ huy này. Ông thực sự coi nhà hát là gia đình, diễn viên là cốt nhục, sẵn sàng bỏ tiền túi ra để dàn dựng và tác giả là bạn bè tri kỷ nên hệ thống kịch mục trở nên phong phú lắm. Hơn thế, ông lại là một đạo diễn chấp nhận được các gu, gu truyền thống, gu thị trường, gu chính kịch, hài kịch hay náo kịch đều được hết, miễn là hay! Còn tôi lại toàn là đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, vẫn lọt vào một Nhà hát Thủ đô sang trọng cả 3 vở, tất nhiên phải được lọc qua lăng kính của ông.

Con người đối xử với nhau cốt ở cái tình. Nhất là trong giới văn học nghệ thuật, cái giới mà tôi thường gọi là hay xúc động vặt, khen một câu sướng râm ran cả tháng, chê một câu lại hậm hực cả đời. Cũng như có lần sau 3 tháng mang cả 3 vở của tôi vào chinh chiến ầm vang ở Sài Gòn, trở ra, vị đoàn trưởng vẫn không quên mang cho tác giả chút quà thật ý nghĩa với mùa đông Hà Nội, đó là một chiếc áo rét mác Jacket.

Còn nguyên những ân tình

Tất nhiên có cả kỷ niệm nho nhỏ vui vui về “Hà Nội đêm trở gió”, ca khúc viết cho kịch, do tôi viết ca từ, âm nhạc Trọng Đài. Khi bài hát này với giọng hát Mỹ Linh, vượt khỏi kịch để có cuộc sống bên ngoài thì người ta có tò mò đi tìm ai là tác giả ca từ mà véo von, trầm bổng thế? Vậy là giữa tôi và và Hoàng Quân Tạo có chuyện, chuyện thường tình, một chút hiểu lầm be bé tý nữa lại bị xé ra to, nếu cả hai không có những kỷ niệm làm vở ân tình. Sau lần đó, gặp nhau, chúng tôi không bao giờ nhắc lại bởi xét đến cùng nó chỉ là sự hồn nhiên, vụng dại, ngơ ngác của những người có trái tim nghệ sĩ bên trong. Năm 1999, tôi chuyển thể tiểu thuyết “Ba lần và một lần” thành kịch bản “Ám ảnh xanh”.

Khá lâu tôi chưa có dịp quay lại Nhà hát với một vở kịch trên tay bởi một là tài mòn, hai là cũng bắt đầu lười nhác. Nhưng hơi ấm của những ngày dựng vở, những đêm biểu diễn mà tôi là tác giả vẫn còn bồi hồi khác lạ. Những Hoàng Dũng đa tài; Thu Hà, vốn là cô gái Đoàn văn công Quân khu 2 đã đi qua biết bao nhân vật lớn - nhỏ vẫn giữ được vẻ đẹp sơn nữ; Hoàng Cúc, người thiếu phụ có trái tim thi nhân; Minh Vượng cười hôn hậu thế nhưng có cái nhìn kịch bản sắc lem lẻm và Minh Hòa, sau hai chục năm mà bóng dáng Trần Lệ Xuân vẫn còn trên hình vóc, khuôn mặt, nụ cười. Rồi Phú Thăng, Tiến Đạt, Chu Hùng, Công Lý, Trung Hiếu... mà lúc này nhớ lại vẫn cứ còn gợi nhắc lên các nhân vật một thời của mình.

Người ta hay than vãn: Làm phim xong, làm kịch xong, thường là tác giả không nhìn mặt đạo diễn và diễn viên thì không nhìn cả hai. Còn với tôi, các đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Nguyễn Quốc Toàn và Ngô Xuân Huyền mãi mãi là đồng nghiệp, đồng chí và đồng tâm trên sân chơi thẩm mỹ.

Còn diễn viên, nói điều này không hiểu có võ đoán không, nhưng bằng quá trình cộng tác, tôi cho rằng: Diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội là dàn diễn viên đẹp, tài và chí tình nhất nước. Một dàn diễn viên mà mọi tác giả khó tính nhất đều muốn ôm vở tìm vào. Và như thế, biết đâu cuối đời tôi cũng lọc cọc nhảy vào phát nữa như thể một thứ quen hơi bén mùi không dễ mỗi lúc mỗi xa. Tôi đã nghĩ thế, nhưng làm sao chờ lâu thêm, đến "cuối đời"? Vì thế, giữa tháng 7.2014, tôi mới đưa tiếp kịch bản “Chiến binh”, viết về người lính thời chống Mỹ và thời bình, nhân 40 năm giải phóng TP.Hồ Chí Minh, tất nhiên là trao cho Kịch Hà Nội.

    Người ta hay than vãn: Làm phim xong, làm kịch xong, thường là tác giả không nhìn mặt đạo diễn và diễn viên thì không nhìn cả hai. Còn với tôi, các đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Nguyễn Quốc Toàn và Ngô Xuân Huyền mãi mãi là đồng nghiệp, đồng chí và đồng tâm trên sân chơi thẩm mỹ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem