Ông Phu cho biết, hiện trung tâm y tế dự phòng các địa phương đã được “kích hoạt” sẵn sàng đối phó với dịch bệnh này và cũng không loại trừ chủng virus này đã tồn tại ở Việt Nam nhưng chưa được phát hiện. Theo ông Phu, đặc trưng nổi bật đáng lo ngại của virus cúm là luôn chuyển gen và có tính tổng hợp gen rất mạnh, vì thế luôn có nguy cơ trở thành một chủng mới.
TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, virus H7N9 đã từng được biết có gây bệnh cho người nhưng bệnh cảnh rất nhẹ. Trong khi đó, các ca bệnh phát hiện tại Trung Quốc đều có bệnh cảnh nặng. Ngoài các ca tử vong, số đang điều trị trong tình trạng nặng. “Virus cúm A/H7N9 gây viêm phổi với diễn biến nhanh, bệnh nhân sũng nước vì phù phổi. Mặc dù các ca bệnh nhiễm virus H7N9 ít thấy tổn thương tim và thận nhưng lại có triệu chứng tiêu cơ, tăng men gan”- ông Kính nói.
Hiện BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã có khu cách ly và thiết bị điều trị, sẵn sàng cho xét nghiệm tìm virus cúm A/H7N9 và virus corona mới. Cục Y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo người dân ăn thịt gia cầm sạch, đã qua kiểm dịch. Cần đến sớm cơ sở y tế khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở. “Cần đặc biệt lưu ý người dân khi phát hiện gia cầm chết; thấy xác chim hoang dã hoặc chim bồ câu nhà chết cần thông báo cho thú y và y tế lẫy mẫu xét nghiệm” - GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế lưu ý.
Được biết, số người nhiễm virus cúm H7N9 phát hiện tại Trung Quốc đã tăng lên 14 người trong đó 5 người tử vong. Các ca cúm nằm rải rác khắp Trung Quốc, 6 trường hợp ở Thượng Hải, 4 trường hợp ở Giang Tô, 3 trường hợp ở Chiết Giang và 1 trường hợp ở An Huy. Hiện, Trung Quốc đã tìm thấy virus H7N9 trên chim bồ câu tại một khu chợ nông sản ở Thượng Hải.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.