Dễ thành đại dịch
TS Bình cho biết, căn cứ vào tình hình các ca nhiễm H7N9 tại Trung Quốc, khả năng dịch cúm này vào Việt Nam rất lớn và dễ bùng phát trong cộng đồng. Ông phân tích 4 nguy cơ khiến cúm A/H7N9 có thể bùng phát thành đại dịch:
Đó là virus H7N9 mới chỉ tìm thấy ở đàn chim trời nhưng lần đầu tiên lại lây sang người (trước đây cúm A từ gia cầm lây sang người mới có 3 loại là H1N1, H3N2 và H5N1).
Hai là, các chuyên gia cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh khi làm xét nghiệm gia cầm, gia súc, người tiếp xúc hoặc lợn chết mà người bệnh có khả năng tiếp xúc.
Tuy có 2 trường hợp là người cùng gia đình bị nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm chưa tìm ra bằng chứng rõ ràng nguồn lây từ người sang người. Ba là đặc tính virus cúm thường xuyên biến đổi, dễ phát triển thành chủng mới có độc tố cao, có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Thứ 4 là thế giới vẫn chưa tìm ra văccin phòng ngừa, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
|
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus H7N9 ngày 3.4. |
“Với các yếu tố này, chúng ta cần chuẩn bị các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh, không ngồi chờ bị động. Nếu lơ là chủ quan, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn” – TS Bình cho biết.
GS - TS Trịnh Quân Huấn – chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cũng lo ngại, việc virus H7N9 vốn lưu hành ở chim hoang dại nay lại lây sang người thì việc kiểm soát lây lan rất khó khăn. Hơn nữa, các nghiên cứu đều cho thấy, H7N9 có độc tính không cao, nhưng nay lại lây sang người và gây tử vong. “Đây là điểm đáng chú ý, hết sức cảnh giác về biến chủng tăng độc lực của virus cúm A. Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu”.
Còn GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, hiện Viện đã xin được một số đoạn gen của virus H7N9 từ Trung Quốc. Viện đang tiến hành xét nghiệm để đưa ra quy chuẩn trong chẩn đoán và nhận định sớm về bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, sớm nhận định về các trường hợp cúm A có khả năng nhiễm virus H7N9.
Khó nhận biết
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của các bệnh viện khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị cúm A là rất khó phân biệt đâu là bệnh nhân nhiễm cúm thường, cúm H1N1, hay cúm H7N9, vì biểu hiện lâm sàng của các bệnh này là như nhau. Bệnh nhân hầu hết ho, sốt, viêm kết mạc, sau đó có thể có triệu chứng viêm phổi cấp.
“Bộ Y tế cần khẩn trương xác định các yếu tố dịch tễ liên quan để sàng lọc bệnh nhân, đồng thời xây dựng phác đồ điều trị chuẩn đối với cúm H7N9 để phổ biến cho các bệnh viện” - ông Hà đề nghị. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước mắt, vẫn điều trị cúm H7N9 bằng thuốc Taminflu như các loại cúm A khác, nhưng cũng phải xét nghiệm xem cúm mới này có kháng Tanminflu không để có phương án điều trị mới.
Để ngăn chặn sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, ngày 4.4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở phía Bắc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao.
Các cửa khẩu siết chặt gia cầm nhập lậu
Để ngăn chặn dịch cúm gia cầm H7N9 có thể lan vào nước ta, sau khi có công điện khẩn của Bộ NNPTNT, ông Hoàng Thái - Giám đốc Sở NNPTNT Cao Bằng cho biết: “Sở đã giao Chi cục Thú y triển khai tới các trạm và các cán bộ kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu có khả năng, nguy cơ lây lan cao, nhất là cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh) và cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng)”.
Còn ông Hoàng Khánh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Lai- những địa điểm thường xuyên có hoạt động vận chuyển gia súc gia cầm, lực lượng hải quan phối hợp bộ đội biên phòng và cơ quan kiểm dịch lập các điểm chốt, trực 24/24 giờ ngăn chặn gia cầm nhập lậu trái phép.
Hải Quỳnh
Thêm 2 ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc
Ngày 4.4, truyền thông Trung Quốc cho biết, đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 tại tỉnh Chiết Giang, 1 trong số đó đã tử vong. 2 người bệnh này đều là nam giới, 1 người là đầu bếp 38 tuổi. 1 người bệnh khác là người về hưu 67 tuổi, đang được điều trị tại Hàng Châu. Tính đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 9 ca nhiễm virus H7N9 và 3 người đã tử vong.
Hạ Anh
Diệu Linh - Anh Thư
Vui lòng nhập nội dung bình luận.