Tự thưởng cho mình
|
Dọn nhà, sửa nhà là những công việc làm thêm phổ biến của công nhân tại Hà Nội. |
Nguyễn Văn Tân (công nhân cơ khí tại Khu công nghiệp Đài Tư, Hà Nội) cho biết, Tết này anh ở lại Hà Nội để đi... buôn mía dịp giao thừa. Tân kể: “Năm ngoái, mấy chị em ở lại rủ nhau đi buôn mía thấy thu nhập cũng khá nên năm nay em quyết định ở lại nhập hội”.
Nhóm công nhân nghèo ấy năm ngoái mua buôn 11.000 đồng/cây mía mang lên Quốc lộ 5, bán cho khách đi ô tô con về quê ăn Tết với giá 30.000-40.000 đồng/cây. Chỉ trong 2 ngày (29 và 30 Tết), có người lãi được 3 triệu đồng.
Tân bảo: “Tuy hơi vất vả một tí nhưng thu nhập bằng 2 tháng lương rồi. Coi như mình tự kiếm tiền thưởng cho mình”.
Còn Bùi Thị Thắm, quê ở Nam Định đang làm công nhân tại Nhà máy Sumi tại Khu công nghiệp Sài Đồng, chuyên sản xuất dây cáp điện nói: “Quê em cách đây hơn 100km nhưng phải mùng 3 Tết em mới về”. Những ngày ở lại Hà Nội, Thắm dự kiến đi dọn dẹp kiếm thêm tiền.
Cô kể: “Em có ông anh làm vệ sĩ chuyên bảo vệ các chung cư. Năm 2008, anh em làm ở chung cư 73 Nguyễn Chí Thanh, đã giới thiệu em với các hộ gia đình bên đó để em làm thêm việc dọp dẹp nhà cửa. Đi dọn nhà Tết là sướng nhất, bao nhiêu giấy vụn đồ nhựa hỏng, giày dép cũ, nhà chủ thường cho hết. Cộng với công dọn nhà, có ngày em được đến 2 triệu đồng”.
Thắm cho biết thêm, do nhu cầu dọn nhà cuối năm ở các chung cư vô cùng lớn, nhất là các chung cư mới nên từ năm 2009, Thắm đã rủ 8 chị em công nhân cùng nhà máy với mình thành lập tổ dọn nhà lưu động, rồi nhờ người quen làm vệ sĩ ở các chung cư bắt mối cho. Đội của Thắm có hẳn số điện thoại giao dịch, bắt đầu làm từ ngày 20 Tết đến ngày mùng 2 thì thôi.
Thu nhập rất khá. Thắm hào hứng kể: “Dân quê chúng em chịu khó nhặt nhạnh. Có hôm, cả đội thu được hơn 1 tấn bìa thùng các tông bán được 6 triệu đồng”.
Do dọn nhà vào dịp tết đã 3 năm nên mới gần đến Tết, nhóm của Thắm đã nhận được khá nhiều hợp đồng, một số nhà tin tưởng còn định thuê trông nhà để họ đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết.
Đón xuân muộn vẫn vui
Đối với nhiều công nhân nghèo nhưng năng động thì Tết là một dịp để “kiếm ăn” thêm, bằng các nghề như: Rửa xe, bán bóng bay, buôn hoa... Với họ, Tết chỉ khác với ngày thường là có cơ hội kiếm thêm tiền.
Với nhiều công nhân xuất thân từ các vùng nông thôn, cơ hội “bươn chải” này cũng giúp họ “thay nghề, đổi nghiệp”. Nguyễn Văn Minh, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên từng làm công nhân cho một xí nghiệp may màn ở Mê Linh (Hà Nội). Tết năm 2008, anh tham gia đội sửa nhà ngày Tết cùng bạn bè, tình cờ gặp chủ nhà là một chủ hàng may mặc lớn ở chợ Đồng Xuân.
Sau vài câu chuyện, thấy Minh nhanh nhẹn, có tay nghề, ông bà chủ giao cho anh quản lý xưởng may của gia đình ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Một năm sau, quen việc, quen bạn hàng và có chút vốn, Minh mở xưởng may riêng và giờ đã thành ông chủ. Minh bảo: “Đi làm như vậy mở rộng được nhiều mối quan hệ. 3 năm nay, năm nào em cũng ăn Tết muộn, mùng 3-4 mới đảo về nhà thăm bố mẹ một chút rồi đi ngay. Nhưng đón xuân muộn vẫn vui”.
Gia Tưởng- Văn Lý
Vui lòng nhập nội dung bình luận.