Kiểm toán doanh nghiệp vốn nhà nước: Gần 3.500 tỷ đồng không đổ về ngân sách vì "sai sót", lộ "ông lớn" có hạn chế

H.Anh Thứ tư, ngày 22/05/2024 07:15 AM (GMT+7)
Kết quả kiểm toán doanh nghiệp năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN). Đơn vị này kiến nghị tăng thu NSNN 3.486,39 tỷ đồng.
Bình luận 0

Kết quả kiểm toán doanh nghiệp được đề cập tại Báo cáo do Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành, vừa gửi tới đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách 3.486,39 tỷ đồng

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT).

Kết quả kiểm toán cho thấy 11/11 TĐ, TCT sản xuất kinh doanh có lãi. Trong đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVN đạt 58.244,56 tỷ đồng; Vinachem đạt 7.275,02 tỷ đồng; ACV đạt 7.237,37 tỷ đồng; VRG đạt 4.797,14 tỷ đồng; VEC đạt 1.950,30 tỷ đồng; Mobifone đạt 1.974,84 tỷ đồng; Becamex đạt 1.723,80 tỷ đồng; Saigontourist đạt 309,12 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao như Vinachem 33%; ACV (17,75%); Mobifone (13,17 %); PVN (11,5%); VRG (8,98%);...

Kiểm toán Nhà nước

KTNN kiến nghị tăng thu NSNN 3.486,39 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 6,19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.

Thứ nhất, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN), nên qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn , doanh thu, chi phí.

Cụ thể, tổng tài sản/Tổng nguồn vốn tăng 2.680,92 tỷ đồng; Tổng doanh thu, thu nhập tăng 756,49 tỷ đồng, giảm 100,19 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 7,96 tỷ đồng, giảm 2.679,07 tỷ đồng.

Dẫn đến, KTNN kiến nghị tăng thu NSNN 3.486,39 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 6,19 tỷ đồng.

Loạt "ông lớn" được gọi tên vì quản lý dòng tiền, quản lý nợ chưa hiệu quả

Hai là, một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt mức bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ, miễn giảm lãi nhưng không ký phụ lục hợp đồng; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Trong đó, các khoản khó đòi lớn phát sinh tại PVN (Công ty mẹ) cao ngất, lên tới 15.820,18 tỷ đồng, PVPOWER (2.495,30 tỷ đồng), ACV (4.280,08 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp có nợ khó đòi vài trăm tỷ như PVGAS (737,05 tỷ đồng), Saigontourist (Công ty mẹ) là 187,29 tỷ đồng,...

Theo báo cáo, còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, kém phẩm chất, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa một số tài sản; số liệu kiểm kê kho chênh lệch với số liệu trên sổ kế toán hoặc chưa kiểm kê đầy đủ tài sản, vật tư, hàng hóa; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả.

Ba là, một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Các "ông lớn" được gọi tên như: VEC (Công ty mẹ) có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 81 lần, Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam 3,38 lần; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (8,18 lần).

Còn tình trạng bảo lãnh thanh toán không đúng quy định hoặc phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh; chưa chi trả đầy đủ cổ tức phát sinh từ nhiều năm cho các cổ đông hoặc chưa được chia cổ tức; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt; chưa nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh số tiền đã trích nhưng sử dụng không hết, chưa hạch toán phần giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khi chuyển từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ sang hoạt động sản xuất kinh doanh ; bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Bốn là, một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Một số khoản đầu tư của TĐ, TCT vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ; trích lập dự phòng đầu tư tài chính không đúng quy định .

Trong đó, tại VRG (Công ty mẹ), có 16/47 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2022 là 998,63 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng: 02/07 công ty con lỗ 5,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh: 01/02 công ty con lỗ 9,88 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng: 01/02 công ty con lỗ 1,60 tỷ đồng; Công ty CP Cao su Phước Hòa: 03/06 công ty con lỗ 39,43 tỷ đồng; Công ty CP Cao su Đồng Phú: 01/04 công ty con lỗ 43,11 tỷ đồng; Công ty CP Cao su Tây Ninh: 01/01 công ty con lỗ 30,36 tỷ đồng.

Tại PVN (Công ty mẹ) 13/29 doanh nghiệp có vốn góp lỗ lũy kế 110.244,02 tỷ đồng, chiếm 85% tổng giá trị vốn góp của chủ sở hữu.

Kiểm toán Nhà nước

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh minh họa - Nguồn: PVN)

Hay tại Vinachem: Công ty mẹ lỗ lũy kế 1.784 tỷ đồng, 05/23 công ty con là 12.881,84 tỷ đồng (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 6.724,97 tỷ đồng, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 2.974,18 tỷ đồng, Công ty CP DAP số 02 là 3.044,29 tỷ đồng, Công ty CP Xà phòng Hà Nội 55,16 tỷ đồng, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ 83,22 tỷ đồng); Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ: Công ty TNHH MTV Phân bón hữu cơ đậm đặc lỗ 19,64 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam: Công ty CP Khoáng sản Hóa chất Phú Thọ lỗ 4,86 tỷ đồng.

Công ty mẹ - ACV: tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp nhận vốn góp của ACV là 2.125,16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 69,01 tỷ đồng (bằng 61,4% giá trị vốn góp).

Dofico: 03/08 công ty con lỗ lũy kế 122,21 tỷ đồng; Công ty mẹ - Saigontourist: 10/10 công ty con lỗ lũy kế 505,84 tỷ đồng;

Công ty mẹ - Vinatex: 08/38 đơn vị hoạt động không hiệu quả phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính, trong đó có 03 công ty con lỗ lũy kế phải trích lập dự phòng từ 59,9% đến 100%.

Năm là, một số đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; chưa xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu hoặc tiêu hao nguyên, nhiên liệu vượt định mức đơn vị quy định; trích vượt quỹ lương được duyệt; khuyến mại không đúng quy định; chưa kê khai giá bán hoặc kê khai chậm theo quy định trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt trữ lượng cấp phép .

Sáu là, về quản lý sử dụng đất: Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị còn diện tích đất chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN .

Bảy là, tại một số TĐ, TCT, cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định ; người đại diện phần vốn chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem