Những dấu ấn "đặc biệt" trong công tác lập pháp và nhân sự tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Những dấu ấn "đặc biệt" trong công tác lập pháp và nhân sự tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Quỳnh Nguyễn
Thứ bảy, ngày 29/06/2024 12:07 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội đánh giá Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp đặc biệt, với nhiều chức năng nhiệm vụ của Quốc hội được thể hiện qua công tác lập pháp. Đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, trong đó có công tác nhân sự.
Ngày 29/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã chính thức bế mạc sau sau 27,5 ngày làm việc.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.
Đánh giá về kỳ họp, đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng, đây là kỳ họp hết sức quan trọng khi thông qua rất nhiều Luật và Nghị quyết. Kỳ họp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quốc hội là xây dựng thể chế, xây dựng luật.
Đại biểu tin tưởng, với các Luật được ban hành và sửa đổi bổ sung, hệ thống pháp luật sẽ giúp bộ máy Nhà nước vận hành tốt nhất, đảm bảo cho đời sống của nhân dân tốt nhất, kinh tế xã hội phát triển và an ninh xã hội được đảm bảo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định, trong kỳ họp, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được 100% đại biểu tán thành, cùng nhiều dự án luật khác nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng đúng quy trình, đúng thủ tục hơn các kỳ họp trước.
Hay Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những kỳ họp, các đại biểu không đồng tình, nhiều nội dung chuẩn bị không kỹ càng, nhưng kỳ họp này đã được chuẩn bị rất tốt. Các luật được thông qua và cả các luật được thảo luận để chuẩn bị cho kỳ họp tới được chuẩn bị khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) đánh giá Kỳ họp thứ 7 là một kỳ họp đặc biệt, với nhiều chức năng nhiệm vụ của Quốc hội được thể hiện qua công tác lập pháp.
"Kỳ họp đã thông qua 11 Luật và 21 Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời, thảo luận lần đầu để cho ý kiến 11 dự Luật. Quốc hội cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, trong đó có những quyết định liên quan đến công tác nhân sự. Tất cả đều được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỷ lệ rất cao", ông Ngân nói.
Cũng theo đại biểu đoàn TP.HCM, sau khi được Quốc hội thông qua, để tạo thuận lợi cho Luật sớm đi vào cuộc sống, thì quá trình xây dựng luật gần đây, bên cạnh dự thảo Luật đã có dự thảo các Nghị định, Quyết định, Thông tư.
Theo ông Ngân, thế giới hiện nay có nhiều đặc điểm cần hết sức lưu ý khi có những yếu tố diễn biến phức tạp, bất định và rủi ro… Thực tế đòi hỏi thể chế pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương.
"Trong 11 Luật được Quốc hội bấm nút thông qua, tôi nhận thấy hầu hết đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đó là điểm sáng trong hoạt động của Quốc hội", ông Ngân bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt bên hành lang nghị trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) nhận xét, dù triển khai một khối lượng công việc lớn nhưng kỳ họp đã có sự sắp xếp chương trình và có thời gian hợp lý để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian để cân nhắc, thảo luận sâu, có chất lượng.
Quốc hội đã thông qua rất nhiều vấn đề quan trọng và nhiều dự án luật, trong đó, nhiều dự án luật được thảo luận thấu đáo và được thông qua 100%. Điều này thể hiện sự chuẩn bị kỹ càng từ phía Chính phủ cũng như vai trò thẩm tra của các Ủy ban, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để các dự án luật được thông qua với sự đồng thuận và nhất trí cao.
Đại biểu đoàn Tiền Giang kỳ vọng những quyết sách quan trọng được thông qua và những dự án luật có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như đảm bảo an sinh xã hội hay các vấn đề người dân rất quan tâm như cải cách tiền lương, các chế độ trợ cấp, lương hưu… sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Từ đó, sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn và đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt sẽ tạo ra động lực lớn với phát triển kinh tế xã hội, mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.