Kiểm toán Nhà nước chuyển 4 vụ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra
Kiểm toán Nhà nước chuyển 4 vụ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 11/07/2022 20:40 PM (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tại Hải Phòng và 1 vụ tại Tây Ninh sang Cơ quan điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đó là thông tin được nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2022 chiều 11/7 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Chuyển 4 vụ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra, kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 8.661 tỷ đồng
Đề cập tại Báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, đến 30/6/2022 toàn ngành đã xét duyệt 145 kế hoạch kiểm toán, triển khai 138/234 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 95 cuộc.
Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 159 Dự thảo báo cáo kiểm toán và phát hành 127 báo cáo.
Đáng lưu ý, cơ quan kiểm toán đã hoàn thành công tác kiểm toán và đang xây dựng dự thảo báo cáo cuộc kiểm toán thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Về kết quả kiểm toán, tổng hợp sơ bộ từ 30 dự thảo báo cáo kiểm toán, 127 báo cáo đã phát hành thuộc kế hoạch năm 2022 và 6 báo cáo chuyển từ kế hoạch 2021 sang cho biết KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) với số tiền 8.661 tỷ đồng, gồm tăng thu 1.067 tỷ đồng, giảm chi 7.594 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng có kiến nghị khác với số tiền 14.857 tỷ đồng.
Một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật về xử lý tài chính, kiến nghị với các bộ, cơ quan Trung ương hoặc phát hiện kiểm toán quan trọng trong các chuyên đề, gồm: Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Sơn La, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Dương; kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Tây Ninh Long An, Cao Bằng; Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Lâm nghiệp.
Qua cuộc kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017- 2021 tại Hải Phòng, KTNN đã chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, cơ quan này chuyển 1 vụ việc phát hiện qua cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Tây Ninh sang cơ quan điều tra.
Bên cạnh hoạt động trên, cơ quan kiểm toán đã tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư 05 dự án trọng điểm quốc gia, gồm: Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Vành đai 3 – TPHCM, Dự án Đường bộ cao tốc Chấu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, cung cấp KTNN cung cấp 532 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát
9 hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm toán 6 tháng đầu năm
Bên cạnh những mặt làm được nêu trên, KTNN cũng đã chỉ ra một số tồn tại một số hạn chế cần quan tâm.
Thứ nhất, còn một số văn bản khiếu nại, kiến nghị và vướng mắc về kết quả kiểm toán chưa được giải quyết kịp thời.
Hai là, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2022 của một số đơn vị còn hạn chế về công tác khảo sát, thu thập thông tin về các đầu mối, đơn vị, dự án chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến xây dựng kế hoạch kiểm toán chưa sát thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh đơn vị, đầu mối kiểm toán; một số đơn vị chưa đánh giá, phân tích khả năng về nhân lực, thời gian để cân đối với kế hoạch kiểm toán dẫn đến còn tình trạng bố trí nhân sự đi kiểm toán trùng lặp với kế hoạch đào tạo và các kế hoạch hoạt động khác của ngành.
Ba là, công tác thẩm định, xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán của Hội đồng thẩm định cấp Vụ tại một số đơn vị còn chưa được chú trọng, đôi khi còn chạy theo tiến độ.
Bốn là, một số chuyên đề kiểm toán chưa thể hiện rõ mục tiêu chủ đề kiểm toán; một số cuộc kiểm toán dự án đầu tư lồng ghép nhiều dự án thuộc nhiều Ban QLDA, Chủ đầu tư để thực hiện kiểm toán...
Năm là, trong hoạt động kiểm toán việc ứng dụng CNTT chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả trong công việc; một số đơn vị chưa quan tâm, chú trọng việc ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại đơn vị cũng như khi thực hiện kiểm toán; một số phần mềm ứng dụng triển khai chậm, phải hiệu chỉnh nhiều lần, tính hiệu quả chưa cao.
Sáu là, trong quá trình thực hiện kiểm toán vẫn còn xảy ra chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động của Thanh tra Chính phủ và thanh kiểm tra của các Bộ, ngành, địa phương tuy đã giảm nhưng vẫn xảy ra tại một số cuộc kiểm toán.
Bảy là, tiến độ xây dựng các văn bản theo Chương trình xây dựng văn bản QPPL, văn bản quản lý năm 2022 của KTNN còn chậm so với kế hoạch.
Tám là, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trụ sở các đơn vị còn có một số hạng mục bị chậm tiến độ.
Cuối cùng, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ thực hiện vẫn chưa cao, làm giảm hiệu lực kiểm toán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.