Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hơn 1.600 hồ sơ cho Uỷ ban Kiểm tra trung ương, Bộ Công an
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hơn 1.600 hồ sơ cho Uỷ ban Kiểm tra trung ương, Bộ Công an
Thuỳ Dương
Thứ ba, ngày 04/06/2024 11:50 AM (GMT+7)
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), qua hoạt động kiểm toán, trong 05 năm gần đây (năm 2019-2023), cơ quan này đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an….
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, các thông tin kiểm toán cũng được cung cấp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Hàng nghìn báo cáo Kiểm toán gửi cho Uỷ ban Kiểm tra và Bộ Công an
Theo ông Tuấn, hằng năm, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện bình quân khoảng 250 cuộc kiểm toán, trong đó đã tiến hành đánh giá và xác nhận tính trung thực của hàng nghìn Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán của các đơn vị, dự án được chi tiết.
Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chuyển hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.
Thông qua các phát hiện kiểm toán, KTNN góp phần chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hàng năm KTNN cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.
Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, với vai trò là công cụ của Đảng, Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực , Kiểm toán Nhà nước xác định phải làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ.
Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước luôn tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
"Kiểm tra, xác minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ; kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán", ông Tuấn nêu.
Lãnh đạo KTNN cho biết, cơ quan này duy trì "đường dây nóng" tiếp nhận thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, của Kiểm toán viên nhà nước. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với cán bộ, công chức, nhằm PCTNTC theo đúng chủ trương của Đảng...
Về kỷ luật nội bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng ngành kiểm toán đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn kiểm toán, đảm bảo không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.
"Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán", ông Tuấn cho hay.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân giao, thời gian qua KTNN đã phối hợp chủ động, tích cực với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để phát huy điểm mạnh của từng cơ quan, tổ chức để hoàn thành tốt nhất công tác này trong quản lý tài chính công, tài sản công.
Đặc biệt, trong khuôn khổ giới hạn kiểm toán theo luật định, khi phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán...
Kiểm toán như bác sĩ đa khoa, khám lâm sàng các dấu hiệu bệnh
"Qua hoạt động kiểm toán, trong 05 năm gần đây (năm 2019-2023), cơ quan này đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an…. các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát", ông Tuấn thông tin.
Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động của kiểm toán nhà nước không phải là hoạt động điều tra, thanh tra theo vụ việc mà chủ yếu là hoạt động đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính, việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ông Tuấn ví von, KTNN có vai trò như bác sỹ đa khoa, khám lâm sàng cho bệnh nhân, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh thì chuyển đến các bác sỹ chuyên khoa (các cơ quan điều tra) để đánh giá chuyên sâu để đánh giá, kết luận.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước gợi mở, thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò của kiểm toán Nhà nước trong phòng chóng tham nhũng và tiêu cực, ngành kiểm toán sẽ hướng đến các nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về kiểm toán để các cấp ngành, xã hội có nhận thức đúng vai trò, địa vị pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước.
Ngoài đề xuất sửa dổi cơ chế pháp luật, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTNTC, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
"Chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, bằng chứng kiểm toán cho các cơ quan có chức năng xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật", ông Ngô Văn Tuấn nêu.
Đối với kỷ luật công vụ, trưởng ngành Kiểm toán Nhà nước cho biết, toàn ngành Kiểm toán Nhà nước quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước và của kiểm toán về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế hoạt động kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Kiểm toán Nhà nước", ông Tuấn cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.