Người livestream bán hàng cả tỷ đồng và hơn 31.000 tổ chức, cá nhân đều nằm trong tầm ngắm của ngành thuế

Thuỳ Dương Thứ bảy, ngày 01/06/2024 16:30 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện cơ quan Thuế đang đưa hơn 31.570 tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng qua mạng vào diện rà soát các nghĩa vụ về thuế.
Bình luận 0

Chiều 1/6, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, trước câu hỏi của phóng viên về việc thời gian gần đây, đã diễn ra hàng loạt các buổi livestream bán hàng với doanh thu hàng tỷ đồng, cơ quan thuế, Bộ Tài chính có kiểm soát việc này và quản lý thuế để chống thất thu hay không?

Người livestream bán hàng cả tỷ đồng và hơn 31.000 tổ chức, cá nhân đều nằm trong tầm ngắm của ngành thuế- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập. Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các Luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.

Theo ông Chi, đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

"Chúng tôi thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối hoạt động này theo Luật Thuế thu nhập cá nhân", ông Chi cho biết.

Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).

Thứ trưởng cho biết, thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng là hoạt động được phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, thời gian qua cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó tự tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động này với đối tượng là cá nhân và hộ kinh doanh.

Ông Chi cho biết, thông qua việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả công tác quản lý thuế đối với hình thức livetream bán hàng.

Cụ thể, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 03 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313). Tại đây, tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem