Kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý hình sự ít

Lương Kết Thứ tư, ngày 24/02/2016 10:35 AM (GMT+7)
"Kiểm toán phát hiện nhiều, nhưng chủ yếu chỉ xử lý hành chính. Thực ra nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng chúng ta kiến nghị xử lý hình sự vẫn còn rất hạn chế", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý thẳng vào báo cáo nhiệm kỳ 5 năm của Kiểm toán Nhà nước.
Bình luận 0

Sáng nay (24.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cho biết: Tổng hợp kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng). Qua đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) tại 5.390 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN 3.381 tỷ đồng. Kiểm toán 5.285 lượt dự án, đã kiến nghị xử lý tài chính 12.990 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết thêm, thực hiện trách nhiệm quy định trong Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.

img

Hoạt động kiểm toán phải góp phần phát hiện tham nhũng (ảnh minh họa).

Góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, chỉ trong 5 năm hoạt động, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính bằng 55% tổng số kiến nghị tài chính của 21 năm hoạt động. “Tôi cũng mừng vì hoạt động kiểm toán ngày càng phát hiện nhiều vi phạm, nhưng thực sự thấy lo nhiều hơn nếu 5 năm sau số tiền kiến nghị xử lý tăng hơn 5 năm trước thì không biết việc quản lý tài chính công đi đến đâu" - ông Giàu lo ngại.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng: "Phát hiện nhiều nhưng chủ yếu chỉ xử lý hành chính. Thực ra nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng chúng ta kiến nghị xử lý hình sự vẫn rất hạn chế".

Cũng theo ông Hiện, ở các nước việc thanh tra, kiểm toán được coi trọng. Trong phòng, chống tham nhũng có đến 80-90% số vụ tham nhũng được phát hiện là qua công tác thanh tra, kiểm toán, còn nước ta thì ngược lại.

"Người tham nhũng có trình độ cao để che giấu các hành vi, chỉ có lực lượng thanh tra, kiểm toán hoạt động chuyên ngành mới phát hiện được. Còn ở nước ta việc đó lại để nhân dân, rồi nội bộ cơ quan họ mâu thuẫn nhau, rồi báo chí vào cuộc lúc đó mới thanh tra, kiểm toán, chính vì thế việc phát hiện ra tham nhũng bị hạn chế" - ông Hiện nói.

Bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đặt vấn đề: Kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán đến đâu, trách nhiệm như thế nào chưa rõ? Luật KTNN có quy định trách nhiệm đối với việc thực hiện kết luận của KTNN rất rõ.

"Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện kết luận của kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán. Ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai, Chủ tịch tỉnh nào vi phạm trong khi kiến nghị của kiểm toán là chính xác" - ông Phan Trung Lý nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem