Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Kiên Giang, trong tổng số 35 xã được chọn để quy hoạch xây dựng xã NTM giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 23 xã lập và phê duyệt xong đề án xã NTM. Toàn tỉnh có 20 xã đạt từ 10-16 tiêu chí, duy nhất có xã biên giới Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) đạt 17 tiêu chí.
Tính đến nay, nhiều địa phương ở Kiên Giang đã làm giao thông nông thôn, trường học và các mô hình sản xuất có hiệu quả. Hơn 4.000 hộ nông dân ở các xã thí điểm NTM đã được vay vốn để sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà ở… với số tiền hơn 82,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Kiên Giang trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, do điểm xuất phát của các xã so với bộ tiêu chí còn thấp, chỉ có 1,7% số xã đạt từ 13-17 tiêu chí, 98,3% số xã đạt từ 12 tiêu chí trở xuống. Trong đó, khó khăn lớn nhất là giao thông nông thôn, y tế, văn hóa, lưới điện… chưa được đầu tư đồng bộ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa, Chương trình xây dựng NTM là công việc lâu dài và liên tục, đặc biệt là các tiêu chí về giao thông nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập… nên không nên nóng vội mà phải đi từng bước một cách bền vững. “Kiên Giang cũng cần chú ý đến công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động…” - ông Khoa đề nghị. Đồng thời, ông Khoa cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, xem xét có thể tiếp tục ban hành thêm một số cơ chế chính sách để từ năm 2013 trở đi có mục đầu tư hỗ trợ cho NTM.
Thảo Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.