Kiên Giang: Cho tôm ở chung trong ruộng lúa, nông dân nhẹ công, lãi hàng trăm triệu
Kiên Giang: Cho tôm ở chung trong ruộng lúa, nông dân nhẹ công, lãi hàng trăm triệu
Ngọc Quyên - Thiên Thiên
Thứ sáu, ngày 08/05/2020 19:35 PM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi từ đất chuyên lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, tôm sú, nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang ăn nên làm ra, đem về thu nhập cao.
Có thể khẳng định cây lúa và con tôm hiện là hai mặt hàng chủ lực của Kiên Giang, mang lại sinh kế ổn định cho nhiều nông dân. Trong đó, mô hình tôm lúa kết hợp đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt sau khi tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2018.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm lúa. Theo đó, diện tích tôm lúa năm 2018 đạt gần 83.500ha (năm 2015 là hơn 77.800ha), tập trung ở các huyện ven biển như huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Theo định hướng phát triển, sau năm 2020, Kiên Giang tiếp tục chuyển đổi vùng sản xuất lúa phía Nam quốc lộ 80 (thuộc Huyện Hòn Đất và Kiên Lương) sang mô hình tôm lúa, diện tích dự kiến khoảng 20.000ha.
Đáng chú ý là đa số các hộ nuôi đều có diện tích nuôi trên 1ha và nuôi đạt hiệu quả, năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng từ 380-500kg/ha. Nếu so với trước đây khi độc canh cây lúa, thì việc chuyển sang nuôi tôm lúa đã giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp 2-3 lần.
Có thể kể đến mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp với nuôi tôm càng xanh tại ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú. Mô hình này được Phòng NNPTNT huyện Châu Thành hỗ trợ chi phí giống lúa 3 triệu đồng/ha, 4 triệu đồng/ha nuôi tôm càng xanh. Mô hình sản xuất gồm hơn 30ha với 30 tổ viên, sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Một trong những hộ được hỗ trợ từ mô hình là ông Cao Văn Tư (ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú), cho biết, trước năm 2010, gia đình ông sống chủ yếu nhờ vào trồng lúa, đời sống kinh tế luôn gặp khó khăn. Do đất nằm gần biển, đồng ruộng bị xâm nhập mặn, sản xuất lúa thường xuyên bị thất bát, thu nhập bấp bênh. Được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng lúa mùa kết hợp nuôi tôm càng xanh và nuôi tôm sú, thích ứng biến đổi khí hậu, có giá trị kinh tế cao và được hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi.
"Trồng lúa mùa người dân rất khỏe, nhẹ công chăm sóc và không tốn chi phí phân bón. Cây lúa sinh trưởng tự nhiên, sau 6 tháng thu hoạch, được hỗ trợ con giống và đầu ra, tôi và các hộ trong mô hình có thu nhập ổn định" - ông Tư cho hay.
Từ đó, mỗi năm gia đình ông Tư trồng 1 vụ lúa xen canh với tôm càng xanh và một vụ nuôi tôm sú. Mô hình sản xuất lúa hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh hóa học nên sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy.
Với gần 3ha, ông Tư gieo 3kg giống lúa Ba Bụi trên 1 công đất, thay vì cấy lúa ông gieo sạ trực tiếp trên ruộng, tiết kiệm hơn 700.000 đồng/công. Cuối vụ, ông thu hoạch 600kg lúa/công giá hơn 10.000 đồng/kg, ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa thuần nông.
Song song đó, ông Tư tận dụng mặt nước kết hợp thả tôm nuôi. Năm 2019, tính chung 2 vụ thả tôm càng xanh, tôm sú; trừ chi phí, ông Tư lãi 160 triệu đồng. Đặc biệt, nuôi tôm theo mô hình này tôm lớn tự nhiên, không tốn tiền thức ăn và nhẹ công chăm sóc. Tôm nuôi ít bệnh, thịt chắc và ngon ngọt tự nhiên.
"Ở vụ rồi, tôi thu hoạch khoảng 200kg tôm càng xanh, trừ chi phí xong tôi lãi trên 30 triệu đồng. Nhờ mô hình xen canh, gia đình có thu nhập ổn định hơn hẳn so với trước" - ông Tư chia sẻ.
Phù hợp với địa phương gần biển
Thực hiện mô hình trồng lúa mùa, nuôi tôm từ năm 2017, ông Huỳnh Văn Bạc ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú có thu nhập ổn định. Với 3ha trồng lúa mùa, thả tôm càng xanh, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 160 triệu đồng/vụ.
Ông Bạc cho hay: "Trồng lúa mùa giúp nông dân giảm công, tiết kiệm chi phí sản xuất, sản phẩm bán được giá cao. Ngoài ra, tôi còn có thu nhập thêm từ tôm càng xanh nên nguồn thu đảm bảo cho cuộc sống gia đình".
"Qua nhiều năm nuôi tôm luân canh với trồng lúa, tôi nhận thấy mô hình nuôi này rất phù hợp với điều kiện ở địa phương gần biển. Do đó, việc nhân rộng mô hình cho nhiều người thực hiện là cần thiết. Người nông dân cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn về kỹ thuật và nguồn vốn vay để thực hiện mô hình" – ông Bạc chia sẻ.
Trong khi đó, mười mấy năm trước, thấy trồng lúa hiệu quả không cao, ông Mai Văn Phúc, ngụ ấp 13, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) quyết thử nghiệm kết hợp trồng lúa với nuôi tôm. Vụ tôm sú đầu tiên thành công đã mở đường cho con tôm trụ lại trên vùng đất ấp 13. Bây giờ, một năm ông Phúc làm 1 vụ lúa và 3 vụ tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh và nuôi cua. Hiện tổng lợi nhuận gia đình ông Phúc thu từ 2,3ha nuôi tôm kết hợp trồng lúa hơn 300 triệu đồng/năm.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.