Kiến nghị của cử tri về "kỳ án Hồ Duy Hải" được giải quyết thế nào?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 05/10/2016 15:19 PM (GMT+7)
Trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII (tháng 3 và 4.2016) có vụ án Hồ Duy Hải.
Bình luận 0

img

Hồ Duy Hải tại tòa.

Chiều 5.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Quốc hội năm 2016.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, có 4 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Tối cao, đến nay cơ quan này đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời 4/4 kiến nghị.

Trong đó, kiến nghị về bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đã được xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường.

Trước đó vào tháng 8.2015, TAND thành phố Thái Bình đã xử sơ thẩm và tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Phi gần 23 tỷ đồng. Đây là khoản tiền ông Phi kiện đòi bồi thường liên quan đến thiệt hại về tài sản trong thời gian bị vướng vào lao lý oan.

Đáng chú ý, trong số kiến nghị trên có kiến nghị về xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” ở tỉnh Long An.

Theo báo cáo, vụ án này đã được lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ buộc tội, cũng như gỡ tội, những vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng. Vẫn theo báo cáo, những vi phạm, thiếu sót của cơ quan tiến hành tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án. Vì vậy, việc tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải là có căn cứ pháp luật.

Theo hồ sơ của cơ quan tố tụng, 19h ngày 13.1.2008, Hồ Duy Hải đi môtô đến Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)) để nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (nhân viên bưu điện). Đến 20h30 cùng ngày, Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (nhân viên bưu điện) đi mua trái cây. Sau khi Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng nhưng không được nên bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu chị Hồng. Chưa dừng lại, Hải lấy dao cắt cổ chị Hồng. Tiếp đó, Hải thấy chị Vân đi mua trái cây về liền dùng ghế inox đánh vào đầu làm chị Vân ngã xuống nền gạch. Chưa yên tâm, Hải kéo chị Vân đặt cạnh chị Hồng rồi lấy dao cắt cổ chị. Cuối cùng Hải mở tủ lấy 1.400.000 đồng cùng sim card, điện thoại và nữ trang của hai bị hại, rồi về nhà ngủ.

Cả hai bản án sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Đáng chú ý trong vụ án này là Hồ Duy Hải từng được quyết định hoãn thi hành án tử hình vào ngày 4.12.2014. Quyết định này được ký trước kế hoạch thi hành án một ngày. Năm 2014, khi còn trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có ý kiến đề nghị xem xét lại bản án hình sự vụ tử tù Hồ Duy Hải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem