Mới đây, HoREA đã có văn bản góp ý, đánh giá về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư gửi Bộ Xây dựng. Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư về các vấn đề như: Quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; các điều khoản về “hội nghị nhà chung cư”; Quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí bảo trì, phí vận hành quản lý của chung cư... Những ý kiến này của HoREA xuất phát từ ý kiến đóng góp của các hội viên cũng như tình hình thực tế tại các chung cư đang sử dụng trên địa bàn thành phố.
Đơn cử như, về quyền biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư: Theo dự thảo mới, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ và được quy định như sau: "a) Mỗi căn hộ trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết; b) Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết".
"Nếu tính theo quy định hiện hành, cách tính quyền biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư của các chủ sở hữu nhà chung cư không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ và cho chủ đầu tư", Hiệp hội nhận định.
Vì vậy HoREA kiến nghị quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị m2 diện tích của chủ sở hữu, chủ sở hữu phần diện tích khác và được quy định, như sau: a) Mỗi m2 diện tích căn hộ, hoặc mỗi m2 diện tích khác trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết.
Theo HoREA cách tính quyền biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư của các chủ sở hữu nhà chung cư không công bằng. (ảnh Trần Kháng)
Ngoài ra, HoREA đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Thông tư như sau: "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó", không cần thiết quy định "hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư".
Đặc biệt, trong dự thảo này có quy định Hội nghị nhà chung cư phải tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% (thay vì 75% như hiện hành) số căn hộ đã được bàn giao cho người mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán) đang được nhiều người quan tâm và cho rằng điều này phù hợp với thực tế.
Cụ thể: Đối với Hội nghị nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự Hội nghị về các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 102 Luật Nhà ở.
Việc lấy ý kiến phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến.
Hội nghị nhà chung cư tổng hợp kết quả tại cuộc họp với việc lấy ý kiến của những người không dự họp và lập thành biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ nhà chung cư đề nghị Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định tại Khoản 5 Điều này./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.