Theo đề xuất này, giá bán lẻ điện trung bình sẽ là 1.403 đồng/kWh thay cho mức giá hiện hành 1.242 đồng/kWh. Trong năm nay, giá điện đã được điều chỉnh một lần hồi tháng 3 với mức tăng 15,258% theo đề nghị của EVN.
|
Sau 2 lần bị bác, EVN tiếp tục đề nghị tăng giá điện để bù lỗ. |
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, đây mới chỉ là kiến nghị của EVN. Việc tăng giá điện từ tháng 11 hay không thì 2 Bộ Công Thương và Tài chính còn xem xét. Theo thông tin NTNN có được, hiện phương án tăng 11% đang được Bộ Công Thương xem xét.
Theo EVN, nếu không tăng giá điện, tình hiện tài chính của tập đoàn sẽ rất khó khăn. Hiện các khoản nợ của Tập đoàn này đến nay đã lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó nợ có nguyên nhân phải mua điện giá cao, do điều chỉnh tỷ giá…
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN Trần Viết Ngãi nói: Nếu không cho tăng giá điện, EVN chỉ có nước "chết". Cứ nhìn vào khoản nợ khổng lồ của ông lớn này thì đủ thấy, nếu không cho tăng giá điện, EVN không có cách nào trả được nợ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý để EVN hạch toán chi phí và lỗ sản xuất kinh doanh điện vào giá điện phân bổ dần cho các năm sau. Theo tính toán, với mức điều chỉnh giá điện cứ 3 tháng là 5% (theo Quyết định 24) thì phải đến năm 2013, EVN mới thanh toán hết các khoản lỗ.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng khẳng định tại một cuộc họp hồi tháng 9 rằng, sẽ cố gắng không tăng giá điện liên tục theo quý từ nay tới cuối năm để kiềm chế lạm phát. Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ ngành chức năng cân nhắc việc tăng giá điện kể cả dưới 5%.
Bộ trưởng Huệ khẳng định: Giá điện cũng sẽ phải được tính toán và báo cáo trung thực trên cơ sở báo cáo thông tin của doanh nghiệp, tăng giá trên 5% phải có sự thẩm định của Bộ Tài chính. Dưới 5%, Bộ Công Thương và EVN được "quyết" nhưng "cũng phải hết sức cân nhắc" - Bộ trưởng lưu ý.
Có thể nói việc giá điện lại được đề nghị điều chỉnh sẽ gây quan ngại cho toàn xã hội và lo lắng cho người tiêu dùng bởi lạm phát sẽ lại leo thang.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát thì Nhà nước càng phải kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng còn mang tính độc quyền, chiến lược với nền kinh tế như giá điện. Nếu các cơ quan chức năng cứ có quan điểm "neo quá lâu giá thấp" với nhiều hàng hóa quan trọng như điện và đòi tăng giá mạnh ngay một lúc thì nền kinh tế, người dân rõ ràng khó mà chịu đựng được"-ông Doanh nói.
Bộ Công Thương cũng cho biết, cuối tháng 10 này sẽ họp giải quyết nợ của EVN. Theo đó, các Tập đoàn Điện lực VN, Dầu khí VN (PVN), Than và Khoáng sản VN (Vinacomin) sẽ cùng bàn để giải quyết các vấn đề nợ đọng.
Mai Hương - Nguyễn Văn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.