Kiến nghị xử lý về Đảng, chính quyền với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng là phù hợp

Nguyễn Hoà - Gia Huy Thứ tư, ngày 16/09/2020 15:10 PM (GMT+7)
Cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương trong vụ án xảy ra ở Bộ Công Thương và TP.HCM thể hiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã ký 1 công văn dựa trên tham mưu của 1 bị can trong vụ án.
Bình luận 0

Theo đó, trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", xảy ra tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM, có nhiều người liên quan nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương được xác định là người ký công văn số 8060/BCT-CNN ngày 30/8/2016 để Sabeco làm căn cứ phê duyệt kết quả đấu giá, hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần.

Cáo trạng xác định, ông Hưng ký văn bản này trên cơ sở tham mưu của bị can Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Văn bản này chỉ cho ý kiến về trình tự và thủ tục thoái vốn, không xem xét đến giá trị cổ phần để đấu giá đã được lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt từ trước.

Trước khi ký công văn trên, ông Cao Quốc Hưng đã chỉ đạo Vụ Pháp chế, Vụ Công nghiệp nhẹ có báo cáo tham mưu chi tiết về căn cứ pháp lý thực hiện việc thoái vốn tại Sabeco Pearl không trái với các quy định của pháp luật.

Kiến nghị xử lý về Đảng, chính quyền với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng là phù hợp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng bị Cơ quan điều tra đề nghị xử lý về mặt Đảng, chính quyền, theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị này là phù hợp.

Đồng thời trong bối cảnh ông Cao Quốc Hưng mới được phân công phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ thay bị can Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu khoảng 3 tuần; trước khi ký công văn trên, ông Hưng cũng đã báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương.

Do đó, chưa có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương này.

"Vì vậy, Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền đối với ông Cao Quốc Hưng là phù hợp" – cáo trạng nêu rõ.

Ngoài ông Hưng, ông Phan Đăng Tuất – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước (giai đoạn 2012 – 2015) cũng được xác định là người liên quan trong vụ án.

Ông Tuất là người đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương để liên doanh, liên kết thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án tiếp nối việc liên doanh, liên kết đã có từ trước của người tiền nhiệm.

Kiến nghị xử lý về Đảng, chính quyền với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng là phù hợp - Ảnh 2.

Ông Phan Đăng Tuất cũng được xác định là người liên quan trong vụ án, tuy nhiên chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

Người tiền nhiệm của ông Tuất là ông Nguyễn Bá Thi. trước khi thành lập Sabeco Pearl, ông Thị là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Sabeco đã liên doanh với các đơn vị thành lập Sabeco Land để thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Cáo trạng xác định, khi Sabeco chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuấn và các thành viên bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có công văn yêu cầu rút kinh nghiệm, yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới để thực hiện dự án.

Việc liên doanh với doanh nghiệp nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định. Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl; trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuất ký văn bản đề nghị TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án.

Sau đó các sở, ngành TP.HCM tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho thuê đất trái các quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Tuất thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo, do đó chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông này.

Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Tuất là phù hợp.

Đối với những người thực hiện các thủ tục thoái vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương là Võ Thanh Hà – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước giai đoạn năm 2015 – 2018, Nguyễn Minh An – nguyên Phó Tổng giám đốc Sabeco cũng là những người liên quan.

Nhà chức trách xác định, ông Hà và ông An đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về giá trị cổ phần của khu đất trong trường hợp bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương đã phê duyệt giá trị cổ phần làm giá sàn để đấu giá.

Quá trình thoái vốn, ông Hà đã nhiều lần có văn bản báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương về trình tự, thủ tục và kết quả đấu giá cổ phần; có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để hỏi về trình tự, thủ tục đấu giá…

Sau khi có phúc đáp của cơ quan liên quan và chỉ đạo của Bộ Công Thương, các cá nhân này mới thực hiện thủ tục phê duyệt kết quả đấu giá nên chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với ông Hà, ông An.

Ngoài ra, còn có nguyên Tổng giám đốc Phạm Thị Hồng Hạnh, nguyên Phó Tổng giám đốc Lê Hồng Xanh, nguyên Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị Bùi Ngọc Hạnh cũng được xác định chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự, đề nghị xử lý về Đảng và chính quyền với những người này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem