Từ góc độ chuyên môn, giới kiến trúc sư đã lên tiếng về vấn đề này. Nói như KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam thì khi tôn tạo, sửa chữa lại ngoài việc đảm bảo công trình bền vững thì không làm mất đi giá trị, vẻ đẹp, kiến trúc bên ngoài. Đây là điều tối kị!
Từ giữa tháng 11-2015, Cung Thiếu nhi Hà Nội được tiến hành tu sửa, nâng cấp (do Thành đoàn Hà Nội là đơn vị chủ đầu tư). Theo lý giải, công trình này khánh thành từ năm 1976, sau gần 40 năm liên tục hoạt động trong vai trò là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thiếu nhi Thủ đô, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã xuống cấp nên việc tu bổ là cần thiết.
Dẫu vậy, nhìn một “vườn ươm” tài năng nghệ thuật một thời đang có nguy cơ biến dạng, nhiều người không khỏi ái ngại. Bởi trong mắt người Hà Nội, địa chỉ này lâu nay đã được coi là di sản. Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của các kiến trúc sư (KTS) – những người từng yêu, hiểu và gắn bó với Cung Thiếu nhi Hà Nội.
KTS Trần Huy Ánh, cựu đội viên Đội Vẽ Cung Thiếu nhi Hà Nội giai đoạn 1969-1975: Ký ức vật chất của người Hà Nội
Lấy lý do “không thuộc danh sách các di tích lịch sử nên Cung Thiếu nhi không được bảo hộ của Luật Di sản, cũng không thuộc danh sách các công trình kiến trúc cần bảo tồn, giữ gìn”. Nên việc sửa chữa cải tạo Cung Thiếu nhi Hà Nội đang được thực hiện cẩu thả, tùy tiện. Nếu cứ viện dẫn lý do trên thì biết bao công trình khác đã cũ như cầu Long Biên, Trường ĐH Y- Dược (trên phố Lê Thánh Tông)… hay những công trình khác có giá trị tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử phát triển nghệ thuật kiến trúc Hà Nội… cũng sẽ dễ dàng bị thay thế bởi những kiến trúc khác. Vậy thì giá trị lịch sử của một Hà Nội Văn hiến là gì? Không lẽ chỉ toàn những ngôi nhà nhôm nhựa vô hồn?
Cung Thiếu nhi Hà Nội là một công trình có ý nghĩa giáo dục rất cao đối với các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Ngay ở đó đã thấy sự trân trọng lịch sử: khối nhà Ấu trĩ viên xây từ thời Pháp thuộc vẫn giữ nguyên - nó là bằng chứng của một cấu trúc đô thị Hà Nội văn minh đầu thế kỷ. Ở đây có riêng một nơi vui chơi cho trẻ nhỏ. Rồi ngay từ sau ngày 2/9/1945 hay sau 1954 và giữa những đợt bom rơi lửa cháy Hà Nội 1972, Cung Thiếu nhi hiện đại đã được xây bên cạnh nhà “Ấu trĩ viên” cũ.
Giá trị nghệ thuật của công trình là đại diện cho phong cách kiến trúc hiện đại, bứt phá khỏi các công trình kiến trúc thuộc địa, Á Đông, mang dáng dấp kiến trúc mô phỏng các công trình thời Xô Viết, Trung Quốc cận đại. Công trình với những mảng khối mạnh mẽ, phân vị đứng/ngang khúc triết các khối đặc/ rỗng tạo sự tương phản mạnh mẽ nhưng rất tinh tế; xử lý vật liệu cũng rất chọn lọc: thô nhám với trơn nhẵn, mảng màu trắng lớn với các chi tiết trang trí sặc sỡ tươi vui bên cạnh các mảng trầm vững chắc đứng bên các khối, mảng gạch trần màu đỏ không trát hay những tấm trần nhôm kỳ lại thời ấy được lắp đặt ngay tại sảnh tầng 2… đã tạo những cảm xúc về chất liệu rất rõ ràng.
Điều kỳ diệu là tất cả sự sang trọng, đẹp đẽ của Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng/thực hiện khi cả nước hàng ngày phải gồng mình lo từng bữa cơm no, manh áo ấm. Các công trường xây dựng tiết kiệm từng thanh sắt, cân xi măng, viên gạch ốp, miếng kính cửa...
Nó cho thấy Hà Nội đã một thời đẹp đẽ, đất nước đang trong chiến tranh vẫn dồn hết sức mình lo cho con trẻ một chỗ vui chơi tươm tất. Có lẽ tất cả những ai trong số 30 triệu lượt đội viên đã từng đến đây học tập vui chơi đều không thể quên được tấm lòng vàng của các thế hệ cha anh đã chắt chiu cho mình một thiên đường có thật giữa một Hà Nội còn muôn vàn gian khó. Đây cũng là một giá trị vô giá mà bất cứ ai có trách nhiệm cải tạo sửa sữa công trình này cần lưu tâm, không thể vô tâm cư xử với những ký ức vật chất của Hà Nội thấm đẫm tình cảm của người Hà Nội với các thế hệ trẻ em Hà Nội.
Được biết, việc sửa chữa Cung Thiếu nhi Hà Nội đang lãng phí rất nhiều. Trước hết là lãng phí tiền bạc: bỏ đi những chi tiết, vật liệu đẹp đẽ sang trọng; lãng phí trí tuệ: khi KTS Lê Văn Lân - chủ trì thiết kế công trình, người hiểu biết rõ nhất công trình sẵn sàng hỗ trợ tình nguyện thì không được mời tư vấn thiết kế khi công trình được tu bổ; lãng phí giá trị di sản ký ức: một công trình có nhiều giá trị nghệ thuật mang dấu ấn của giai đoạn hình thành đang bị thay đổi…
KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam: Dấu ấn của Thủ đô
Công trình Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội đã được xây dựng từ lâu từ thế kỷ trước. Cho đến ngày hôm nay đã được 40 năm đã hư hỏng thì việc sửa chữa là việc hết sức bình thường với một công trình kiến trúc. Ngoài ra, đây không phải là một công trình được xếp di sản, bảo tồn. Thế nhưng đây là một công trình có một dấu ấn riêng.
Trong một giai đoạn đất nước còn khó khăn, chiến tranh, Hà Nội đã xây dựng một Cung văn hóa – Nhà văn hóa cho thiếu nhi trên mảnh đất ngày xưa “Ấu trĩ viên”. Mảnh đất này trước đó chỉ dành cho con em nhà giàu. Và sau đó công trình được xây dựng nên là lần đầu tiên dành cho con em lao động của nhân dân Thủ đô đến để sinh hoạt vui chơi. Rồi rất nhiều đội ca múa nhạc như Họa Mi, Sơn Ca trưởng thành từ đây thành những nghệ sĩ tên tuổi.
Do đó, về mặt kiến trúc công trình có những giá trị cho một giai đoạn phát triển của Thủ đô. Có thể gọi là dấu ấn. Còn về việc sửa chữa, theo quan điểm của tôi công trình này để đảm bảo nó không thể xuống cấp rất cần có sự tham gia của KTS Lê Văn Lân tác giả của công trình. Bởi vì, ở đây còn liên quan đến vấn đề tác giả, tác phẩm. Cho nên tất cả việc sửa chữa này cần có ý kiến đồng thuận của KTS Lê Văn Lân. Bởi chính KTS Lê Văn Lân vốn là một KTS tài năng, đang là Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội.
Quan điểm của tôi là khi tôn tạo, sửa chữa lại thì ngoài việc đảm bảo công trình bền vững thì không làm mất đi giá trị, vẻ đẹp, kiến trúc bên ngoài. Đây là điều tối kị! Cũng như con người khi “sửa chữa” không khỏe mạnh lên lại biến dạng đi thì sẽ không còn giá trị gì cả. Theo đó, việc tu bổ là cần thiết, nhưng phải giữ được kiến trúc ban đầu. Chúng ta đã có bài học tôn tạo Nhà hát lớn Hà Nội cách đây gần 20 năm. Người ta tôn tạo Nhà hát lớn khang trang hơn, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc bên ngoài.
Vi Cầm - Minh Sơn (Đại Đoàn Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.