Kiều bào hiến kế gì cho TP.HCM giai đoạn hậu Covid-19?
Kiều bào hiến kế gì cho TP.HCM giai đoạn hậu Covid-19?
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 14/12/2021 19:17 PM (GMT+7)
Chiều 14/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến, gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: "TP.HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19, vấn đề và kiến nghị", nhằm lắng nghe những đóng góp, ý kiến cho sự phát triển của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá: Dịch bệnh Covid-19 trong suốt 2 năm qua đã để lại nhiều đau thương, mất mát, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của nước nhà nói chung và TP.HCM nói riêng. Trong khó khăn, càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng như cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại, và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt trong và ngoài nước.
"Việc TP.HCM trở lại bình thường mới khi dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, dự tính phải đối diện với nhiều vấn đề và cần đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hồi phục nhanh nền kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội và phát triển TP theo hướng bền vững, toàn diện", Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Người đầu tiên nêu ý kiến tại hội nghị, GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế tại Mỹ cho rằng, việc trước mắt mà thành phố cần làm đó là giúp người dân an tâm và có một cái Tết hạnh phúc, ấm no.
Chuyên gia này nhấn mạnh, Tết là một dịp quan trọng của tất cả mọi người và gợi ý thành phố cần có những món quà chăm lo cho người dân các tỉnh đã tới làm việc, đóng góp cho thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cần tổ chức các chuyến xe buýt công cộng đưa người lao động, người dân ngoại tỉnh về quê ăn Tết và đón họ trở lại.
"Trong tháng 7 và tháng 8/2021, những hình ảnh buồn về việc người dân đổ dồn về quê tự phát mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Phương án tổ chức đưa về quê dịp Tết sẽ khiến người dân ngoại tỉnh có thêm nhiều thiện cảm đối với thành phố", GS Hà Tôn Vinh chia sẻ thêm.
Về công tác phòng, chống dịch, GS Vinh đề xuất, bên cạnh chương trình tiêm chủng toàn dân thì thành phố nên chủ động cung cấp các loại thuốc điều trị Covid-19 cho người có nhu cầu. "Một đồng tiền đầu tư cho thuốc đặc trị lúc này sẽ tiết kiệm được 10 đồng chi phí điều trị bằng ngân sách. Việc cấp thuốc cho người dân còn giúp các bệnh viện, cơ sở y tế tránh khỏi tình trạng quá tải", vị chuyên gia phân tích.
Hướng đến "siêu đô thị" của thế giới
GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhìn nhận dịch bệnh đi qua buộc lãnh đạo thành phố phải phân tích sâu sắc các giá trị cũ. Các mô hình cũ, cách làm của khoảng thời gian trước dần tạo ra ít giá trị hơn hoặc không còn tạo ra giá trị.
"TP.HCM cần có sự đột phá lớn. Khi chuẩn bị cho thời kỳ mới, chúng ta luôn bị lấn cấn bởi những tư duy cũ. Kinh nghiệm của tôi là các thành phố càng thành công trong quá khứ càng bị tư duy cũ lấn át nặng nề, rào cản về sự ngại thay đổi sẽ là khó khăn", ông Vũ Minh Khương chỉ rõ.
Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu hiến kế, thời gian tới, TP.HCM cần nâng tầng quản trị với chiến lược nắm bắt cuộc cách mạng công nghệ. Ông cho rằng, chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số sẽ là bước đi đầu tiên, mang tính quyết định để TP.HCM khai thác hiệu quả các động lực vốn có.
Đối với vấn đề cộng hưởng, TP.HCM có thể tính phương án xin phép Trung ương, xúc tiến cùng 6 tỉnh, thành lân cận gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh để hình thành khu kinh tế cộng hưởng.
Cuối cùng, GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, TP.HCM cần xúc tiến xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị Việt Nam vào năm 2045. Trong đó, thành phố trực thuộc TP.HCM cần được định hướng trở thành đặc khu tri thức, là cột ăng ten thu hút tinh hoa, kiến thức nhân loại và tạo nền tảng tương tác để các chuyên gia đóng góp tâm huyết và góp sức cho sự phát triển.
Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore nhìn nhận, TP.HCM cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt đầu từ việc xây dựng, quảng bá thương hiệu thành phố, vươn mình trở thành một "Megacity" – siêu đô thị mới của thế giới. Qua đó hướng đến thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung tái hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Đăng nhìn nhận lợi thế của TP.HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam, là "cửa ngõ" giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, cơ sở hạ tầng cũng dần nâng cấp, là đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không… Thương hiệu của TP.HCM cần xây dựng xung quanh "4 chữ C": Clear (Sự rõ ràng), Consistent (Tính đồng nhất), Conviction (Sức thuyết phục) và Class (Tính ưu việt).
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Bhutan và Nepal, cho rằng TP.HCM phải giải quyết được sự bất bình đẳng, xây dựng bản sắc và sự khác biệt khi hội nhập.
Ông Châu cho biết, hiện có khoảng 5.000 Ấn kiều đang sinh sống và làm ăn tại TP.HCM, mang lại cho thành phố một sức mạnh mềm để tương tác với Ấn Độ. "Ấn Độ có 140 tỷ phú, thông qua 5.000 Ấn kiều chỉ cần tiếp cận được 10 tỷ phú thôi thì họ sẽ giúp thành phố phát triển theo một cách khác nữa. Đồng thời, với thế mạnh của mình, TP.HCM cần phải trở thành điểm đến du lịch của người dân Ấn Độ", Đại sứ Phạm Sanh Châu nhìn nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.