Doanh nhân kiều bào thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ở nước ngoài

Mỹ Hằng Thứ năm, ngày 14/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Các doanh nhân người Việt ở nước ngoài cho rằng, để hàng Việt được xuất khẩu nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cần liên kết với nhau, thay đổi tư duy làm ăn. Doanh nhân Việt kiều sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiến ra thị trường thế giới.
Bình luận 0

Thay đổi tư duy làm ăn

Tọa đàm trực tuyến "Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài" đã được Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng các cơ quan khác tổ chức nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, mong muốn mạng lưới doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài và các cơ quan trong nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong tương lai. Đồng thời, ông kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ chương trình Thương hiệu quốc gia, để mỗi cá nhân là một đại diện quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Là cơ quan phụ trách công tác xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại sẵn sàng hỗ trợ, kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá xu hướng của thị trường để thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Tại Hội nghị, các đại biểu từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt kiều đã trao đổi về tình hình, thực trạng hoạt động của các cơ sở tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; những giải pháp và kinh nghiệm thực tế trong công tác quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài; cũng như nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, hải sản, giày, dép và hàng may mặc từ Việt Nam.

Doanh nhân kiều bào thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ở nước ngoài - Ảnh 1.

Các doanh nhân kiều bào tham dự hội thảo rất mong muốn thúc đẩy hàng Việt ra nước ngoài. Ảnh chụp màn hình.

Cho tới nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc, là cơ sở để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam ở sở tại. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được phát huy toàn diện, hiệu quả do những hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm.

Trên cơ sở đó, các đại biểu và đại diện các cơ quan trong nước đã cùng thảo luận về định hướng hoạt động trong thời gian tới để triển khai nhiệm vụ quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như khai thác tối đa lợi thế của các hình thức triển lãm, kết nối trực tuyến và các sàn thương mại điện tử để kết nối cung, cầu. 

Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, nêu lên trăn trở tại sao hàng Việt vào Châu Âu chưa được như tiềm năng? Ông cho biết, những nguyên nhân thường được nhắc đến là chất lượng, sản lượng chưa đảm bảo và nhiều vấn khác.  Song nguyên nhân chính, ông Huê nói: "Cội nguồn là tư duy kinh doanh của chúng ta. Các doanh nghiệp nhỏ trong nước vì điều kiện của họ nên muốn đánh nhanh thắng nhanh, làm sao bán được nhiều nhất nhanh nhất, nên khó vào châu Âu". Ông cho rằng các doanh nghiệp cần đầu tư từ mẫu mã, sản lượng, chất lượng… tức là phải có cả một quá trình lâu dài.  

Ông cũng cho rằng việc Trung Quốc duy trì nhập khẩu tiểu ngạch với Việt Nam cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sang Châu Âu: "Cái gì bà con cũng bán được thì đó là điều lo ngại của tôi, khiến người sản xuất luôn giữ tác phong như thế, không cần đầu tư. Chưa kể lúc nào họ đóng cửa biên giới cũng ảnh hưởng".

Ông Huê nhấn mạnh, việc kinh doanh phải làm bài bản hơn, doanh nghiệp trong nước có thể kết hợp với doanh nhân Việt kiều cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, từ kiểm soát nguồn nguyên liệu, chất lượng, xây dựng mẫu mã thương hiệu thì mới vào được thị trường Châu Âu. "Tất cả phải thay đổi từ cách tư duy của chúng ta" – ông nói.

Doanh nghiệp trong nước cần liên kết

Từ Phần Lan, Việt kiều Trần Nghị nêu ra những khó khăn của việc xuất khẩu như thủ tục phức tạp, logistic tăng giá mạnh… "Nếu 'đánh' nhỏ lẻ thì các doanh nghiệp chịu không nổi các chi phí logistic. Tôi kiến nghị ngoài các doanh nghiệp lớn xuất  khẩu sang Châu Âu, các doanh nghiệp nhỏ nên gom lại thành hội đồng ngành hàng, vừa mạnh hơn, vừa có sự trợ giúp của chính phủ".  

Ông cho biết, ở Phần Lan hàng hoá Châu Á đa số toàn hàng Thái: "Đến nước mắm cũng Thái. Giỏi lắm Việt Nam có mỳ Vifon hoặc bún. Vì công nghệ chế biến của mình thua hàng Thái". Ông mong mỏi kiều bào cố gắng đưa công nghệ về Việt Nam để cạnh tranh với hàng Thái.

Ông Trần Nghị còn trăn trở khi ở Đông Âu có nhiều doanh nghiệp Việt mạnh, như ở Ba Lan, Czech, Ukraina; còn Bắc Âu, Tây Âu vắng bóng doanh nghiệp Việt. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ đang đầu tư rất nhiều vào Phần Lan, họ coi Bắc Âu làm bàn đạp vào các nước Châu Âu khác vì Bắc Âu có công nghệ cao và điều kiện kinh doanh thuận lợi. Doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi còn lớn hơn doanh nghiệp Trung Quốc nhưng không làm được điều đó.

Ngay cả ở thị trường láng giềng là Thái Lan, hàng hoá Việt Nam cũng xuất sang khá khiêm tốn, trong khi hàng Thái vào Việt Nam rất nhiều. Ông Mai Xuân Hùng – Trợ lý Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt cho biết: Trong hơn 12 năm thành lập, Hiệp hội có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào Thái Lan. Năm 2020 Hiệp hội thành lập một trung tâm triển lãm hàng Việt Nam có tên VT Namneung đặt tại Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, do thuận lợi về logistic từ Việt Nam sang Lào rồi sang Thái. Hơn nữa có tới 70 nghìn kiều bào sống tại đông bắc Thái Lan nên nhu cầu tiêu dùng lớn.

"Nhưng khó khăn là hàng Việt sang Thái Lan theo đường tiểu ngạch triển lãm thì được, nhưng đưa chính ngạch với số lượng lớn thì không đáp ứng được" – ông Hùng nói. "Các doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về thuế, chất lượng sản phẩm". Ông Hùng cho biết, Trung tâm triển lãm Namneung có gần 50 sản phẩm Việt Nam, trong khi có diện tích tới hơn 10ha, trong đó hơn 1000m2 triển lãm hàng Việt. Ông bày tỏ mong muốn Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương… sẽ giúp kết nối các Doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm sang Thái.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12/12/2019 phê duyệt Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024" trong tình hình mới. Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, sự ra đời của các hiệp định thương mại thế hệ mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước đang đối mặt với nhiều yêu cầu cấp thiết.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, để tăng cường kết nối, phối hợp trong công tác phát huy nguồn lực người Việt ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem