Kim cương nhân tạo chỉ là đá tổng hợp

Thứ hai, ngày 11/04/2011 10:16 AM (GMT+7)
Kim cương nhân tạo hiện nay không có chuẩn, không có giá thống nhất, gần cả trăm tiệm vàng tại TP.HCM đều có bán mà mỗi nơi mỗi giá và mỗi nơi lại có giấy kiểm định riêng.
Bình luận 0

Giá nào cũng có

“Lấp lánh, trong suốt, sang trọng, bền như kim cương nhưng có giá chỉ vài trăm ngàn đồng”, hay “Đã đến lúc thay đổi cách nghĩ về kim cương và bạn không nên bỏ ra vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu đồng chỉ để mua viên kim cương làm trang sức”... Đó là những lời “có cánh” khá hấp dẫn đang được quảng cáo nhằm kéo người tiêu dùng mua kim cương nhân tạo.

 img
Kim cương nhân tạo có giá khoảng 125.000 – 150.000 đồng do công ty kim hoàn tại TP.HCM sản xuất, được tặng miễn phí cho nhiều phụ nữ nhân dịp 8.3 vừa qua. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sự khác biệt của kim cương nhân tạo so với các loại hạt trắng gọi là xoàn Úc, xoàn Mỹ gắn trên các món trang sức mấy chục năm qua chỉ là tờ giấy kiểm định. Thế nhưng khác hẳn với kim cương thiên nhiên, kim cương nhân tạo hiện nay không có chuẩn, không có giá thống nhất, gần cả trăm tiệm vàng tại TP.HCM đều có bán mà mỗi nơi mỗi giá và mỗi nơi lại có giấy kiểm định riêng.

Trên quảng cáo của một số tờ báo, những tiệm vàng khác giới thiệu kim cương nhân tạo nhập từ Canada, Cộng hoà Czech, Nga… với giá khoảng 210.000 – 300.000 đồng. Còn một chủ tiệm vàng ở quận Phú Nhuận cho biết, có thể bán loại nhập từ Hàn Quốc với giá chỉ 190.000 đồng.

Xem trên giấy kiểm định, ngoại trừ một vài loại hàng nhập có giấy do nhà sản xuất nước ngoài cung cấp có ghi độ cứng là 8,5 (theo độ cứng của thang bảng Mohs thì kim cương thiên nhiên có độ cứng là 10), còn lại các giấy kiểm định của các công ty kinh doanh kim cương nhân tạo, ví dụ của SJC, SBJ, RGG… đều chỉ ghi là Synthetic Curbic Ziconia (đá nhân tạo), kèm kích cỡ, trọng lượng, màu sắc hoặc có thêm giác cắt Brilliant. Thậm chí có công ty kiểm định còn ghi rõ phía sau giấy kiểm định: “Chú ý loại này chỉ xác định tên, không xác định chất lượng”.

Một chủ tiệm vàng ở chợ Xóm Chiếu, đã mua loại đá nhân tạo không màu, đặt thợ ở quận 6 mài rồi mang đến công ty chuyên ngành kiểm định, cho biết: “Kiểm định chỉ là bước xác định viên đó không bị mẻ, không có bọt, không đục mờ, chứ không hề biết được độ cứng, độ trong suốt theo các nấc D, E, F như kim cương”.

Chất lượng và bảo hành khó phân biệt

Kim cương nhân tạo không thể có độ bền vĩnh cửu như kim cương thiên nhiên, cũng không thể đảm bảo về độ cứng.

Cũng lấy cỡ 6,3 li, không màu, loại kim cương nhân tạo có độ cứng khoảng 9,5 (trên giấy kiểm định ghi là Synthetic Moissanite) giá khoảng 12 triệu đồng. Kế đến là loại Diamonlite là kim cương nhân tạo được xử lý với công nghệ nano có thể tán xạ ánh sáng như kim cương thiên nhiên (theo giới thiệu của người bán) có giá gần 4 triệu đồng.

Thế nhưng khi để chung viên Moissanite, Diamondlite, hạt xoàn Úc (có giá khoảng 50.000 đồng/viên), hạt xoàn Thuỵ Sĩ (có giá khoảng 150.000 đồng/viên), kim cương nhân tạo của Hàn Quốc và kim cương nhân tạo nhập từ châu Âu thì không thể phân biệt được.

Anh Khánh, chủ quầy trang sức ở trung tâm vàng bạc đá quý khu vực Lê Thánh Tôn nhận định: “Chỉ có người lâu năm trong nghề mới phân biệt được. Khác nhau giữa kim cương nhân tạo với hạt xoàn Úc hay hạt xoàn Thuỵ Sĩ là độ cứng cao hơn một chút, và được mài tỉ mỉ theo đúng giác mài của kim cương để có độ chiếu sáng tốt hơn mà thôi”.

Nếu chuẩn viên kim cương thiên nhiên phải có từ 78 giác mài trở lên, một số viên đẹp lên đến 105 giác mài, thì viên kim cương nhân tạo chỉ cần mài sao cho giác đáy chụm vào nhau, tạo thành tia như mũi tên và xem trên mặt tạo thành hình như trái tim là đạt.

Anh Khánh cho rằng, kim cương nhân tạo không thể có độ bền vĩnh cửu như kim cương thiên nhiên, cũng không thể đảm bảo về độ cứng. Vì lý do này mà nơi bán đều “bảo hành vĩnh viễn độ sáng bóng” nhưng lại không chịu trách nhiệm khi sản phẩm bị mẻ, trầy xước…

Ông Lê Hữu Hạnh, phó tổng giám đốc công ty PNJ không gọi đó là kim cương nhân tạo mà là “đá tổng hợp cao cấp”. Ông nói: “Loại đá này có màu trắng trong suốt, được gia công qua khâu mài để có thêm đặc tính chiếu sáng như kim cương, nhưng chưa thể coi là kim cương nhân tạo vì thực chất kim cương nhân tạo có giá rất đắt và có độ cứng cao tương đương kim cương thiên nhiên”.

Ông Hạnh còn khẳng định thêm: “Loại đá tổng hợp này không thể bền vĩnh viễn như kim cương”. Và, “Thử máy kêu có khi chỉ là đo độ dẫn điện của viên đá, còn đo độ cứng phải dùng nhiều phương pháp khác. Ngay cả độ cứng cũng chưa phải là yếu tố quyết định xác định loại đá”, ông Hạnh lưu ý.

Tham khảo ý kiến của tám chủ tiệm vàng, chủ công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, cho thấy: Kim cương nhân tạo có nhiều loại, nhiều nấc giá, nhưng thực tế giữa loại cao giá như Mossanite với loại rẻ hơn như xoàn Úc thì sự chênh lệch về độ chiếu sáng từ các giác cắt chỉ có thể phân biệt qua kính lúp.

Loại hàng có công nghệ nano hay không hề có nano, nhập từ Ấn Độ, châu Âu, Canada hay nhập từ Trung Quốc, nhập đá về Việt Nam mài… chỉ có người trong nghề mới biết. Giá bán vài triệu hay chỉ đáng vài trăm ngàn đồng, cũng chỉ có người bán biết. Chính vì vậy người mua chỉ có thể dựa vào uy tín của nơi bán, kinh nghiệm mua sắm của bản thân, chịu khó đi nhiều nơi để xem kỹ món hàng và chính sách thu đổi.

Theo SGTT
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem