Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Yêu làng đến từng câu viết
7 năm sau ngày mất của nhà văn Kim Lân, UBND thành phố Bắc Ninh đã chính thức quyết định đổi tên đường Kinh Bắc 21 thành đường Kim Lân thuộc phường Kinh Bắc thành phố Bắc Ninh. Sáng 22.11, gia đình, bạn bè của nhà văn Kim Lân đã cùng nhau tụ hội về Bắc Ninh để kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này. Việc được mang tên một con đường ở quê mình, có lẽ với cố nhà văn như là một chuyến đi về lại làng xưa cũ. Bởi lúc còn sống ông luôn coi cuộc đời không có sự chia cắt âm dương, đi đâu ông cũng đau đáu về làng và những người nông dân hồn hậu nơi xứ đồng màu mỡ phù sa.
Cũng chẳng cần phải giới thiệu thêm về những tác phẩm của Kim Lân đã viết như “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”… bởi tuy ông ra Hà Nội kiếm ăn bằng nghề sơn guốc rất sớm, rồi sau này vì công việc ông cũng ở lại thủ đô, nhưng chẳng thấy ông có truyện ngắn nào xuất sắc về phố cả. Truyện nào Kim Lân viết cũng gói trong những cái làng bé tẻo teo, mà đi khắp đồng bằng Bắc Bộ ở đâu cũng gặp.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ năm nay 70 tuổi chia sẻ: “Nói về cách yêu làng của Kim Lân thì ông cụ có cách yêu lạ lùng lắm, hồi kháng chiến chống Pháp, ông sơ tán lên chiến khu Việt Bắc, biết tin Pháp đốt những làng ở vùng Tân Hồng, Từ Sơn quê ông, ông buồn lắm. Nhưng ông lại càng buồn hơn khi Pháp chưa đốt làng Phù Lưu của ông, bởi lý do làng này quá đẹp, có đường lát đá xanh ví như những cuốn ghi sử của làng, đình làng rộng và nhiều nhà trong làng có nhà ngói cây mít. Pháp đã chọn làng Phù Lưu làm nơi đóng quân nên không đốt. Khi Pháp rút đi, chúng phóng hỏa đốt luôn làng Phù Lưu, hay tin Kim Lân cảm thấy như người bấy lâu bị hàm oan được giải. Bởi làng bị đốt đã chứng tỏ làng ông không theo giặc. Tất nhiên làng cháy ông xót lắm, nhưng ông bảo: “Làng cháy sau này kháng chiến thắng lợi mình lại dựng được lại đẹp như xưa, chứ cái tiếng theo giặc thì bao giờ mà gột được...”
Từ cách yêu làng như vậy mà lối viết của Kim Lân thể hiện về làng mình cũng khác biệt. Nhà văn Trần Ninh Hồ tâm sự, cụ viết về những thân phận bần hàn và cách chọn nhân vật của cụ hay lắm, chẳng hạn như “Vợ nhặt”, xưa kia các cụ chỉ nói đến bắt được vợ thôi là đã rẻ rúng lắm rồi. Đọc “Vợ nhặt” nói về chuyện xây dựng hạnh phúc lứa đôi mà không phải tìm kiếm, lại nhặt được nhưng không thấy bi hài, mà còn ngược lại rất hân hoan phấn khởi và hy vọng. Ngay cả truyện “Con chó xấu xí”, con chó được chọn rất nhà quê, chẳng có gì nổi trội, thế mà ông lại cho ra được một truyện ngắn để đời, giống như một thước phim sống động về bộ mặt của làng quê thủa đó. Quan trọng nhất là ông làm cho người đọc có lòng cảm thông, chia sẻ chứ không có ai khinh khi những nhân vật mà trong truyện được nêu. Ai gặp và đọc Kim Lân dù chỉ một lần, đều thấy được rằng ông cụ yêu làng, yêu nông dân trong từng lời nói và câu viết.
Người nông dân đáng kính
Cũng nói về Kim Lân, NSND Thúy Hường chia sẻ: Cụ Kim Lân vừa là người cha vừa là người thầy của tôi. Thủa tôi mới vào nghề còn bỡ ngỡ, thầy đã nhận tôi làm con nuôi và cho tôi ở trong nhà thầy để chỉ bảo. Thầy đưa tôi đến các làng quan họ để cảm nhận về những phong tục tập quán, tìm hiểu về văn hóa, của từng làng. Thầy nói: “Hát quan họ hay là phải ngấm được cái chất phác của người nông dân, để vận dụng vào những phút thăng hoa của người nghệ sĩ”. Vâng lời thầy, tôi đã cống hiến hết tâm huyết của mình vào những câu ca quan họ. Để bây giờ tôi cũng đã dám thưa với thầy rằng: Đứa học trò đã nghe lời thầy dặn, yêu quan họ chính là yêu những làng quê của mình.
Có mặt trong buổi hội tụ tại đường Kim Lân, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền- con gái nhà văn bộc bạch: “Thầy tôi đã dành trọn đời cầm bút chỉ về về làng và nông dân, nhưng quan trọng nhất là ông sống với những bạn bè, bạn viết, bạn đời của mình cũng bằng tấm lòng của người nông dân. Ngày xưa thầy tôi thường xuyên về thăm bác Nguyên Hồng ở Nhã Nam (Bắc Giang), kể cả khi bác Nguyên Hồng khuất bóng thì thầy tôi vẫn tìm về bên mộ để tâm tình nâng chén rượu với bác. Hay những lúc bác Nguyễn Huy Tưởng ốm, thầy tôi tuy tuổi cao sức đã mòn, nhưng vẫn xin vào chăm bác cho đến khi bác trút hơi thở cuối cùng. Và thầy tôi bảo những lúc khó khăn nhất của đời mình thì luôn có bạn bè ở bên”.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại: “Với tôi theo nghiệp mỹ thuật dù cuộc đời có đổi thay, nhưng tôi đã học cách sống: Không hối hận, không tiếc nuối như cuộc đời ân tình giản dị của thầy tôi. Ông dạy tôi cách làm nghệ thuật không bao giờ là đơn giản, dù tìm tòi thế nào thì hãy nhớ không lặp lại, không sao chép, phải tự do và phải là chính mình nếu không chỉ là cái bóng của người khác. Sau 7 năm thầy tôi ra đi, nay thầy tôi được thành phố Bắc Ninh đặt tên đường, đó là một vinh dự cho thầy tôi - Kim Lân, - một người nông dân đáng kính, suốt đời cày cuốc trăn trở từng trong con chữ với xóm làng, đồng ruộng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.