Kinh doanh sáng sủa, tập đoàn chuyên về phân bón thu lợi nhuận "khủng"

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 03/09/2024 16:35 PM (GMT+7)
CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) thông báo, ngày 5/9 sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.
Bình luận 0

Supe Lâm Thao chốt ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức 2023 vào 5/9

Supe Lâm Thao dự kiến thanh toán gần 113 tỷ đồng cổ tức năm 2023 trong tháng 9/2024, với tỷ lệ chi trả 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) và gần 112,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi gần 113 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/9/2024 và dự kiến thanh toán vào ngày 25/9/2024. Ngày đăng ký cuối cùng là 5/9/2024.

Mức cổ tức này tương ứng với kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Supe Lâm Thao cho biết sẽ sử dụng nguồn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2023.

Hiện Supe Lâm Thao có vốn điều lệ hơn 1.128 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là công ty mẹ nắm giữ đến 69,82% vốn doanh nghiệp; theo đó Vinachem sẽ nhận về lượng cổ tức lớn nhất gần 79 tỷ đồng.

Vinachem sắp nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - Ảnh 1.

CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) thông báo ngày 5/9 sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.

Năm 2024, LAS đặt mục tiêu chia cổ tức không thấp hơn 6% và dự kiến doanh thu đạt 3.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, LAS đạt doanh thu 2.127 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế tăng hơn 80%, lần lượt đạt 150 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, vượt 10,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Vinachem sắp nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - Ảnh 2.

Supe Lâm Thao: Lãi quý II/2024 cao nhất 8 năm, sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận.

Một quý kinh doanh sáng sủa của các doanh nghiệp phân bón 

Trước đó, Vinachem cho biết, nửa đầu năm nay, ở nhóm công ty con của Vinachem, giá trị sản xuất theo giá thực ước đạt 27.136 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Doanh thu tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng. Nộp Ngân sách Nhà nước khoảng 561 tỷ đồng.

Theo Vinachem, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh LAS có kết quả kinh doanh tốt như đã nêu trên, một số đơn vị trong tập đoàn có lãi tăng so với cùng kỳ như: CTCP DAP - Vinachem (Mã: DDV) bằng 46 lần, CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) bằng 5 lần, CTCP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Mã: CSM) bằng 2 lần.

Thực tế, quý II/2024 vừa qua đã cho thấy đây là giai đoạn bùng nổ kết quả kinh doanh của nhóm phân bón. CTCP DAP Vinachem (Mã:DDV) là đơn vị có lợi nhuận sau thuế quý II/2024 gấp tới 72 lần cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần tăng trưởng 15%.

Theo DAP Vinachem, doanh thu quý II/2024 tăng mạnh nhờ sản lượng tăng và giá nguyên liệu giảm làm giá vốn tăng ở mức thấp hơn. Trong quý vừa qua, DAP Vinachem đã tiêu thụ được trên 72.000 tấn phân bón DAP Đình Vũ, tương đương tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thêm khoản thu từ bán axit và NH3. Ngoài ra, đơn vị còn ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động tài chính 17 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, DAP Vinachem đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, gấp hơn 90 lần 6 tháng đầu năm 2023. So với kế hoạch năm 2024, doanh nghiệp đã thực hiện được 52% mục tiêu doanh thu và hơn 90% kế hoạch lãi trước thuế.

CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) cũng đã báo lãi “khủng” trong quý II của nhóm Vinachem. Lợi nhuận sau thuế trong quý của doanh nghiệp đạt hơn 190 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ.

Đây cũng là quý đạt lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm qua của Phân bón Bình Điền, cao hơn cả giai đoạn 2021-2022, thời điểm ngành phân bón - hóa chất hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu. Biên lãi gộp của công ty cũng được cải thiện đáng kể, tăng từ 11% cùng kỳ lên 17% kỳ này.

Đối với Đạm Cà Mau (Mã: DCM) - doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc mảng ure, báo lãi sau thuế 570 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý gần đây.

Ngoài việc doanh thu thuần tăng trưởng 17% thì việc có thêm sự xuất hiện của một khoản lợi nhuận khác đột biến 176 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần cùng kỳ là nguyên nhân giúp doanh nghiệp lãi lớn trong quý II vừa rồi.

Thực tế, trong quý II, công ty có thực hiện một giao dịch mua lại 100% vốn nhà máy Phân bón Hàn - Việt (KVF) có công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Báo cáo tài chính cho thấy có một khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ 167 tỷ đồng (cùng kỳ không phát sinh).

Tính lũy kế từ đầu năm, Đạm Cà Mau có quy mô doanh thu tăng 10% đạt hơn 6.600 tỷ đồng. Nhờ cải thiện biên lãi gộp và lãi bán mua rẻ tài sản, công ty có lợi nhuận sau thuế 919 tỷ đồng, tăng 70% so với bán niên năm ngoái.

Thị trường phân bón cuối năm dự kiến vẫn có triển vọng sáng

Sau những tháng đầu năm 2024 biến động giảm, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 do nguồn cung tại một số thị trường bị thắt chặt bởi thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, tin tức Trung Quốc trì hoãn việc xuất khẩu phân bón trở lại đã hỗ trợ xu hướng tăng giá của mặt hàng này. 

Vinachem sắp nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp phân bón báo lãi mạnh trong nửa đầu năm 2024.

Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, giá phân bón ure sẽ tăng vào cuối quý III/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân do thị trường ure vẫn chịu nhiều áp lực về nguồn cung. Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, ngô) của thế giới.

Cùng với kỳ vọng giá phân bón sẽ tăng từ cuối quý III/2024, Công ty Chứng khoán FPTS dự báo nhu cầu tiêu thụ phân ure trong nước cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ hai yếu tố hỗ trợ: Thứ nhất, diễn biến thời tiết thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, giá nông sản dự báo tăng, hỗ trợ khả năng chi trả phân bón của nông dân.

Được biết, trong 6 tháng cuối năm, Vinachem và các đơn vị thành viên đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 39.629 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 52.554 tỷ đồng.

Doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 56.556 tỷ đồng; Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2024 đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 1.911 tỷ đồng.

Tập đoàn cho biết sẽ triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại 3 dự án phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, sớm đưa các dự án ra khỏi danh sách yếu kém.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem