VNM, VHM và BID “cứu” VnIndex cuối phiên
Diễn biến trên TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 7.11 có khá nhiều nét tương đồng với phiên giao dịch ngày 6.11.
Sau khi VnIndex giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong sáng 7.11 do nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, tới chiều 7.11, lực bán gia tăng khiến VnIndex đảo chiều mất điểm, có lúc xuống thử thách ngưỡng 915 điểm.
Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), với đà tăng tốt của VHM, VNM, cùng một số cổ phiếu ngân hàng và sự trở lại của VIC đã giúp VnIndex thoát khỏi phiên giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7.11, VnIndex tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,01%), lên 922,16 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7.11, VnIndex tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,01%), lên 922,16 điểm. (Ảnh: I.T)
Khối ngoại trên thị trường tập trung mua ròng ở sàn HoSE trong khi bán ròng trên hai sàn còn lại. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 89,2 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 1,2 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu MSN được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 42 tỷ đồng. Tiếp đó, VNM được mua ròng với giá trị đạt 34 tỷ đồng, STB và HPG được mua ròng lần lượt 30,2 tỷ đồng và 19,2 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất, đạt 25 tỷ đồng. Hai mã HBC và GAS đều bị bán ròng hơn 16 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC bị bán ròng mạnh nhất, đạt 25 tỷ đồng. (Ảnh: I.T)
Trong 10 cổ phiếu sở hữu vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có VCB và GAS giảm nhẹ, cùng CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Trong đó, VIC tăng 0,21% lên 96.000 đồng, VHM tăng 0,97% lên 72.700 đồng, VNM tăng 1,53% lên 119.500 đồng, VCB giảm 0,54% xuống 55.500 đồng, GAS giảm 2,06% xuống 99.800 đồng, SAB tăng 0,76% lên 225.000 đồng, BID tăng 1,41% lên 32.450 đồng, MSN tăng 0,83% lên 84.700 đồng, TCB tăng 0,19% lên 27.000 đồng.
Ngoài ra, trong nhóm ngân hàng còn có sắc xanh đáng chú ý tại STB với mức tăng 3,67% lên 12.700 đồng; HDB cũng tăng 1,07% lên 33.200 đồng.
Hôm nay là một phiên giao dịch không tốt đẹp với nhóm cổ phiếu dầu khí khi ngoài GAS, giá trị giao dịch của PVS, PVC hay PVB đều đồng loạt giảm.
Sau phiên giao dịch ngày 7.11, ngoại trừ sản sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng nhẹ 144,79 tỷ đồng (0,21%), lên 69.501,04 tỷ đồng. Tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Trần Đình Long đều lần lượt giảm 324,43 tỷ đồng và 171,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đều là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp, tài sản chứng khoán của hai tỷ phú nêu trên có sự sụt giảm.
Kinh doanh thua lỗ, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ bán đất thu gần 140 tỷ đồng
HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Mã chứng khoán: HSG) vừa công bố nghị quyết về việc thông qua kết quả chuyển nhượng bất động sản tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM để thu hồi vốn đầu tư.
Cụ thể, khối bất động sản được chuyển nhượng lần này gồm hai thửa đất có diện tích 4.156 m2 và 3.000 m2. Giá trị chuyển nhượng theo diện tích đo đạc thực tế là gần 139,55 tỉ đồng. Thời gian hoàn tất chuyển nhượng là ngày 6.11 vừa qua.
Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ vừa chuyển nhượng hai thửa đất tại quận 9, TP HCM với tổng diện tích 7.156 m2 và thu về gần 139,55 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)
Về kết quả kinh doanh, quý IV của niên độ 2017-2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đạt gần 8.565,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng gần 23,5% so với cùng kỳ niên độ trước.
Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã “ăn mất” phần lớn lợi nhuận gộp của HSG. Vì thế biên lãi gộp trong quý này suy giảm mạnh xuống mức 8,45%, trong khi con số này lên đến 16,3% vào quý IV niên độ 2016-2017. Hệ quả, dù doanh thu tăng trưởng tốt, cổ đông HSG có lẽ chẳng mấy mừng vui khi mà lãi gộp sụt giảm đến 36% so với cùng kỳ 2016-2017, xuống còn 723,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính trong quý này của Hoa Sen cao hơn đôi so với cùng kỳ 2016-2017, lên mức gần 351 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 234,6 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá là 116,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 53,9% và 595,9% so với cùng kỳ
Tuy nhiên, các chi phí tài chính kể trên cũng được bù đắp phần nào bởi HSG của ông Lê Phước Vũ cũng ghi nhận khoản thu lớn lên đến gần 134 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động đầu tư là 102 tỷ đồng và khoản lợi chênh lệch tỷ giá gần 31,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm gần 24,7% so với cùng kỳ niên độ trước, xuống còn 196,4 tỷ đồng.
Nhưng nguồn thu từ hoạt động tài chính và sự tiết giảm trong chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn không đủ để “cứu" HSG. Với khoản lỗ ròng 101,8 tỷ đồng, Công ty ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ quý IV của niên độ 2009-2010.
Kết quả, niên độ 2017-2018, Hoa Sen đạt 34.441,4 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 14,8% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, với khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 410 tỷ đồng, Công ty chỉ mới thực 30,4% chỉ tiêu đề ra, cách quá xa con số kế hoạch.
Thêm vào đó, phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn 2.635,8 tỷ đồng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.
Tại thời điểm 30.9.2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ vay nợ ngắn hạn là 10.879,9 tỷ và dài hạn là 3.417 tỷ đồng, lần lượt tăng 1.865 tỷ và 626,2 tỷ đồng so với đầu niên độ, tương ứng mức tăng 20,7% và 22%. Tổng lượng nợ vay của Hoa Sen là 14.341,8 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.