Ban Kok Sa-Nga đã quá nổi tiếng ở Thái Lan đến mức được khách du lịch đặt cho cái tên là “The Cobra Village-Làng Rắn Hổ Mang”. Tất cả những hộ dân ở đây đều nuôi rắn hổ mang trong những hộp gỗ để ở bên ngoài nhà và xem những con rắn như các con vật cưng dù một sự thật chắc chắn rằng không ít người dân làng bị chính loài vật này tấn công.
Bualee Chai, một ông lão đã có hơn nửa thế kỷ nuôi nấng và huấn luyện loài rắn kịch độc hổ mang chúa để đem đi biểu diễn ở những khu du lịch không chỉ ở trong làng mà còn cả ở bên ngoài như Koh Samui, Phuket và Krabi. Ông Chai hé lộ trên CNN: “Tôi đã bị rắn cắn 21 lần”, ông nói với vẻ tự hào trong khi giơ bàn tay bị mất vài ngón lên làm chứng.
Những ngón tay của ông Bualee Chai bị mất do rắn cắn.
“Nếu tôi không được phẫu thuật cắt bỏ ngón tay, thì giờ tôi có thể đã chết. Lần cuối cùng tôi bị cắn và mất thêm một ngón tay là vào ngày 26.12.2004. Đó cũng là thời điểm đợt sóng thần đổ vào Thái Lan”, ông Chai cho biết thêm.
Tuy bị rắn cắn thập tử nhất sinh như vậy, nhưng Bualee Chai khẳng định rằng, ông không bao giờ sử dụng các kỹ thuật trích xuất nọc độc của rắn vì làm như vậy là độc ác và gây tổn thương cho loài vật này. Cầm trên tay một con rắn hổ mang 40 tuổi, ông Bualee Chai bày tỏ ông xem đàn rắn như là một phần không thể tách rời của gia đình mình.
“Nếu một trong những con rắn của tôi qua đời, tôi chắc chắn sẽ rất đau buồn. Chúng đã ở với tôi trong nhiều năm. Khi con rắn trong làng của chúng tôi chết, chúng tôi sẽ tổ chức lễ cúng ở trong chùa”, ông Bualee Chai nói.
Ông Bualee Chai đã chung sống và làm việc cùng loải rắn độc suốt hơn 50 năm.
Đáng chú ý, Bualee Chai đã tiết lộ một loại “thần dược” có thể giúp dân làng của ông có thể vượt qua cơn nguy kịch khi bị chính những con rắn độc cắn. Đó là loại thảo dược wan Paya ngoo được trồng tại Ban Kok Sa-Nga. Bualee chia sẻ, nếu bị rắn cắn dân làng sẽ lấy loại thảo dược này trộn với chanh và nhỏ vào vết cắn sẽ có thể giúp chữa lành vết thương.
“Thảo dược được trộn với chanh tây để điều trị vết rắn cắn. Ngoài ra nó có thể giúp chữa lành cả vết cắn của các loài động vật có nọc độc khác như bọ cạp hoặc loài vật có nhiều chân như rếp. Trong trường hợp bị cắn thực sự tồi tệ, bạn nên ăn nó. Bạn sẽ thấy tốt hơn trong vòng 30 phút sau”, ông Bulee Chai cho biết.
Thảo dược Wan-Paya-Ngoo-Tua-Mia
Loại thảo dược trên cũng đã được một công trình nghiên cứu công bố vào tháng 2.2010 trên website của Thư viện Y học quốc gia Mỹ khẳng định có tác dụng giải độc rắn cắn. Theo nghiên cứu, cây Wan-Paya-Ngoo-Tua-Mia có tên khoa học là Curcuma zedoaroides A. Chaveerach & T. Tanee chứa chất dialdehyde có thể cô lập nọc độc bảo vệ các enzyme của protein không bị tấn công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.