Bài học đắt giá nhất của lão nông Chu Văn Minh là mua thêm một số gà trôi nổi trên thị trường cho đủ lượng hợp đồng với thương lái, để rồi gần trăm mái gà hậu bị của gia đình bị lây nhiễm dịch bệnh...
Năm 2008, ông Chu Văn Minh xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đã dồn đổi hơn 8 sào ruộng khoán canh tác của gia đình về khu ruộng trũng cuối làng. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" và "tích tiểu thành đại", ông Minh đào 1.000m2 ao thả cá và dựng trại nuôi 200 mái gà Đông Tảo sinh sản. Lợi nhuận tích được hàng năm, ông chỉ dùng cho nâng cấp mở rộng trang trại, gia tăng số lượng gà nuôi.
Thường xuyên vệ sinh máng ăn uống cho gà.
Kết quả, sau gần 10 năm cần kiệm sản xuất, gia đình ông Minh đã thường xuyên nuôi được hơn 2.000 mái gà lai Đông Tảo sinh sản. Đầu tư 2 máy ấp trứng công suất 1,8 vạn quả/tháng. Dự phòng 1 máy phát điện 15KWh. Mỗi ngày cung ứng cho nhu cầu thị trường trên 1.000 con gà giống các loại. Đủ việc làm và ổn định cuộc sống cho 7 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ của gia đình. Còn bỏ ống tích lũy mỗi năm hơn nửa tỷ đồng.
Bài học đắt giá nhất trong những này đầu mới nuôi gà của lão nông Chu Văn Minh là: Mua thêm một số gà trôi nổi trên thị trường cho đủ lượng hợp đồng với thương lái, để rồi gần trăm mái gà hậu bị của nhà bị lây nhiễm dịch bệnh, phải tiêu hủy hoàn toàn.
Kể từ đó, ông Minh luôn coi trọng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Tuyệt đối không mua gia cầm hoặc thịt gia cầm (chim, gà, vịt) không rõ nguồn gốc về ăn hoặc bán lại.
Định kỳ hàng tuần tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng dung dịch foocmol.
1 tháng/1 lần rắc vôi bột toàn bộ trong và ngoài trại nuôi ra xa 100m.
Tuân thủ triệt để lịch vacxin phòng bệnh cho gà. Vệ sinh trứng và máy ấp trứng trước khi đưa vào ấp nở.
Cho gà uống bằng nước sạch qua máy lọc. Đảm bảo thức ăn phù hợp từng lứa tuổi gà.
Riêng gà mái sinh sản bổ sung thêm các loại thức ăn giàu canxi để tăng năng suất, chất lượng trứng.
Làm đệm lót sinh học cho nền chuồng nuôi gà đẻ, gà hậu bị, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm công lao động thu dọn phân.
Chú ý rắc thêm thêm một số sỏi nhỏ loại bằng hạt đậu tương để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn cho gà.
Với đàn gà nuôi gột làm con giống, có thể rải lót trấu trắng trên nền, giữ ấm và tận dụng thu gom phân bán cho trang trại.
Đặc biệt, phải vệ sinh bình nước, máng ăn cho gà ngày 2 - 3 lần. Đây là khâu kỹ thuật đơn giản nhưng rất quan trọng, vì khi ăn uống dớt, rãi từ miệng gà để lại, là nguồn phát sinh lây lan nhanh nhất các loại dịch bệnh trên đàn gà.
Theo ông Minh, cũng như nhiều loại gà khác, khả năng chịu nóng của gà Đông Tảo tốt hơn chịu rét. Gà Đông Tảo cũng khá mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết. Vì vậy, trại nuôi gà phải trồng 1 - 2 hàng cây ăn quả, tạo các lớp rào xanh đảm bảo cho trang trại luôn mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Vào mùa hè cần có quạt thông gió trong trại, hệ thống máy phun mưa trên mái để làm mát chuồng nuôi. Trong những ngày nắng oi bổ sung thêm các chất điện giải Bcomplex hoặc Vitamin C vào nước uống, tăng sức đề kháng cho gà. Đặt thêm máng nước để luôn đủ nước uống cho gà.
Trong các tháng mùa đông phải che kín chuồng trại, không được để gió lùa. Cần cho gà uống bằng nước ấm. Bổ sung gluco, các vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho gà. Các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột phải thêm kháng sinh cho gà ăn uống. Có thể sử dụng một số dược liệu thảo mộc như, tỏi ta, lá sả, hương nhu, bồ kết, lá hành khô, đốt khói xông cho trại gà, có tác dụng ngăn ngừa gió độc, xua đuổi côn trùng hại và phòng các bệnh hen suyễn, tụ huyết trùng, tiêu chảy…
Đáng chú ý, giống gà Đông Tảo tự giao phối khá khó khăn, tỷ lệ trứng có phôi sau phối giống đạt thấp. Để hạn chế nhược điểm này, ông Minh thường xuyên rắc thóc trên nền chuồng cho gà bới luyện chân khỏe và cho ăn chừng mực để gà trống không béo, không gày, đồng thời tăng tỷ lệ nuôi ghép 5 - 6 mái/1 trống, sẽ tăng cường hiệu quả tự phối giống của gà lai Đông Tảo.
Ông Minh cho biết, nhu cầu con giống gà lai Đông Tảo trên thị trường còn rất lớn, tới đây ông sẽ làm nhà lạnh và thụ tinh nhân tạo cho gà sinh sản, để hạ giá thành, tăng chất lượng con giống.
|
Th.S. Nguyễn Hải Tiến (Nông Nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.