Đối tượng "nổ" là nhà báo chiếm đoạt 550 triệu đồng của người dân, có thể bị xử lý thế nào?

Phi Long Thứ sáu, ngày 13/12/2024 15:22 PM (GMT+7)
Theo luật sư, đối tượng "nổ" là nhà báo chiếm đoạt 550 triệu đồng của người dân ở Gia Lai có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt tù nghiêm khắc.
Bình luận 0

Tạm giữ đối tượng chiếm đoạt tiền của người dân

Ngày 12/12, Công an huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng, SN 1952, thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo thông tin ban đầu, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, Trương Quang Hưng "nổ" với bà T. (xã Ayun, Mang Yang) rằng bản thân mình là nhà báo, quen biết với nhiều lãnh đạo khắp cả nước nên có thể lo chạy tại ngoại cho con của người phụ nữ này.

Tin tưởng là thật, nên bà T. giao cho Trương Quang Hưng 550 triệu đồng để nhờ chạy cho con mình đang bị Công an tỉnh Quảng Bình điều tra, xử lý về hành vi "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Sau khi nhận tiền, Hưng đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

img

Đối tượng Trương Quang Hưng bị bắt giữ (Ảnh: CAGL).

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mang Yang đã khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc. Do đây là đối tượng thường xuyên rời khỏi nơi cư trú và thay đổi chỗ ở liên tục trên địa bàn nhiều tỉnh thành nên rất khó tiếp cận.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất nhanh chóng bắt giữ đối tượng để phục vụ công tác điều tra, Công an huyện Mang Yang đã nỗ lực tìm kiếm, đến ngày 9/12/2024, bắt giữ thành công đối tượng Trương Quang Hưng. Hiện, Công an huyện Mang Yang đang điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:   

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, theo luật sư Sơn, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem