Nữ phóng viên 9X chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu hiệu quả
Nhật Hà
Thứ tư, ngày 16/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nhờ sở thích ghi chép, tự nấu ăn, không săn sale, không ngại nói lời từ chối... là những thói quen giúp nữ phóng viên 9X tiết kiệm được 30% thu nhập và quản lý chi tiêu hiệu quả.
Với nụ cười luôn thường trực trên môi, vừa thoăn thoắt đôi bàn tay sơ chế nguyên liệu cho bữa cơm tối sau giờ làm việc, vừa trò chuyện, Hằng Trần hiện đang làm phóng viên tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền: "Mình không sử dụng thẻ tín dụng, thường ghi chép mọi chi tiêu trong ngày hoặc trong tuần cùng vài thói quen quản lý chi tiêu khác. Nhờ duy trì các thói quen này, mình kiểm soát chi tiêu tốt hơn và tiết kiệm được khoảng 30% thu nhập mỗi tháng", Hằng nói.
Và cụ thể, 8 thói quen dưới đây của Hằng chắc chắn sẽ giúp ích cho rất nhiều người có thêm kinh nghiệm tiết kiệm tiền và muốn quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả.
Ghi chép
Để không rơi vào các cạm bẫy chi tiêu, Hằng luôn tìm cách biết rõ tiền của mình đang đi về đâu, được sử dụng ra sao. Vì vậy, từ năm 2018, cô đã duy trì ghi chép thu chi hàng ngày trên app quản lý tài chính cá nhân ở điện thoại. Hằng ghi chép mọi thứ mình chi trong ngày như tiền bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, xăng xe tới quần áo...
Để tiết kiệm thời gian, cô thường dành 5 phút cuối ngày hoặc 10-15 phút cuối tuần để thống kê chi tiêu một lượt. Cuối tháng, cô sẽ biết được cụ thể % tiền mình chi cho các khoản mục gồm: dịch vụ sinh hoạt, ăn uống, sức khỏe, nhà cửa, hiếu hỉ, hưởng thụ... và có những điều chỉnh kịp thời để đạt mục tiêu tiết kiệm của tháng và của cả năm. App cũng giúp cô biết lượng tiền tiết kiệm cô đang có và thời gian đáo hạn sổ tiết kiệm để có các hình thức đầu tư tiếp phù hợp với bản thân.
Tự nấu ăn
Hằng không có thói quen ăn hàng vì phần lớn món ăn ngoài hàng đều có nhiều gia vị khi nêm nếm hơn cần thiết và thường không đảm bảo vệ sinh, trừ các hàng quán thật sự uy tín. Bên cạnh đó, để có một bữa ăn ngon ngoài hàng, cô thường phải bỏ ra 50.000 - 120.000 đồng, chưa kể phát sinh thêm chi phí 15.000 - 30.000 đồng nếu là đồ đặt từ ứng dụng giao hàng. Nếu đi ăn cùng bạn bè, Hằng còn có thể còn phải chi từ 100.000 - 500.000 đồng cho mỗi bữa.
Vì vậy, để tránh "đau ví", Hằng tự nấu bữa trưa, bữa tối với chi phí dao động khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ tự nấu ăn, sức khoẻ của nữ phóng viên 9X được đảm bảo, có thêm niềm vui khi thỏa thích ăn các món phù hợp khẩu vị, khẩu phần phù hợp với bản thân.
Đọc sách có thêm nhiều kinh nghiệm tiết kiệm tiền
Để đạt mục tiêu tài chính mà không phải sống quá khắt khe với bản thân, nữ phóng viên 9X còn học hỏi nhiều cách tiết kiệm, quản lý thu chi từ sách, báo. Cô đọc một số sách như: Học cách tiêu tiền, Quý cô thịnh vượng, Quý cô tài chính, 28 cách để trở thành người phụ nữ giàu có để học hỏi các thói quen chi tiêu tốt từ các chuyên gia lẫn người bình thường.
Trong cuốn "28 cách để trở thành người phụ nữ giàu có", bạn sẽ biết được nhiều thói quen chi tiêu dễ khiến bản thân rơi vào khánh kiệt, như mua trà sữa hay cà phê mỗi ngày, tích trữ hàng đống quần áo mặc không hết... Một trong các trích dẫn trong cuốn sách này mà Hằng thích là: "Nếu thực sự yêu thương bản thân, vậy thì nên tôn trọng sự độc đáo của mình, đừng chạy theo trào lưu. Thực sự yêu bản thân thì cố gắng lên kế hoạch cho sự nghiệp, thực sự yêu bản thân thì hãy nghĩ cho mình của 10 năm sau, chăm sóc tốt cho mình trong 30 năm sau, thực sự yêu bản thân thì hãy thả lỏng tâm lý, sống một cuộc sống tự do, tự tại".
Không sa đà vào các đợt sale
Sale là một hình thức để các nhãn hàng, thương hiệu kích cầu tiêu dùng theo ý họ. Vì vậy, Hằng không chạy theo các đợt sale mà chủ yếu chạy theo nhu cầu của mình, chỉ mua đồ khi cần thiết.
Ngoài ra, cô không có thói quen tích trữ, khiến nhà thêm chật chội. Ví dụ, cô chỉ mua dầu ăn khi nhà đã hết dầu, mua sản phẩm dưỡng da khi món đồ gần hết.
Nhưng một thứ mà nữ phóng viên khuyên bạn nên săn sale, là đồ điện tử. Nếu bạn thực sự cần một món đồ gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện tử, bạn nên tìm hiểu các chương trình sale từ các thương hiệu lớn trong tháng vì các ưu đãi này sẽ tốt hơn so với việc mua hàng vào các ngày không sale.
Cô từng săn được voucher giảm 5% hóa đơn khi mua thiết bị điện tử, lên tới một triệu đồng, là giá hời so với các ngày không có chương trình sale.
Dành ngân sách 5% thu nhập để mua quần áo mỗi tháng, giúp nữ phóng viên 9X tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu tốt hơn
Hằng hiểu quần áo là tiêu sản, bởi theo tác giả cuốn "Cha giàu, cha nghèo" định nghĩa, tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng và bạn phải tiếp tục bỏ tiền ra "nuôi" hoặc duy trì chúng. Ngay từ lúc xách túi quần áo ra khỏi cửa hàng, quần áo bạn cầm trong tay ngay lập tức mất giá, không có giá trị đầu tư.
Vì vậy, Hằng thường để ra 5% thu nhập mua quần áo mỗi tháng, theo lời khuyên học được từ chuyên gia - nhà hoạch định tài chính Mỹ Pete Dunn. Ông lý giải 5% tiền lương dành cho quần áo giúp bạn không vung tay quá trán khi thấy các thương hiệu bán hàng với giá hời. Để tìm ra số tiền chính xác sẽ chi cho quần áo mỗi tháng, bạn hãy nhân khoản tiền kiếm được mỗi tháng với 0,05. Ví dụ: Nếu khoản tiền bạn kiếm được mỗi tháng là 15 triệu đồng, bạn chỉ nên chi khoảng 750.000 đồng cho quần áo.
Khi mua quần áo, Hằng thường hướng tới các kiểu dáng đa chức năng, tức là vừa có thể mặc đi làm, vừa có thể mặc đi chơi. Vì như vậy, cô sẽ chỉ cần chi tiền để mua một bộ quần áo mặc cho nhiều tình huống; thay vì chi gấp đôi tiền mua hai bộ: một bộ đồ đi làm, một bộ đồ đi chơi.
Bên cạnh đó, cô cũng hướng tới các sản phẩm giá có thể mắc nhưng chất lượng tốt, có thể mặc lâu dài thay vì các món đồ tuy rẻ mà làm từ vải kém chất lượng, dễ sứt chỉ, gây ra các sự cố trang phục không mong muốn.
Ngoài ra, các món đồ rẻ tiền thường chỉ mặc được một mùa, sử dụng không lâu mà dễ khiến cô phải chi thêm tiền mua trang phục thay thế.
Biết nói câu từ chối
Một tháng, Hằng thường uống khoảng 1-4 cốc trà sữa đặt ngoài tiệm, đôi khi là đồng nghiệp rủ, đôi khi là do cô muốn uống. Tuy nhiên, Hằng sẽ nói lời từ chối đặt trà sữa chung với đồng nghiệp nếu trong tuần hoặc ngay ngày trước đó, cô đã uống một cốc.
Thường chỉ đi chơi vào cuối tuần thay vì đi chơi liên tục, không kế hoạch
Hằng ít đi xem phim ngoài rạp nên không tốn nhiều tiền vào thú vui này. Cô chủ yếu tiêu tiền đi uống cafe, thăm thú thành phố với bạn bè, xem triển lãm miễn phí, bảo tàng, hiệu sách vào cuối tuần. Số tiền tiết kiệm được mỗi tháng, cô dùng để có hai chuyến du lịch xa trong năm với bạn bè.
Thống kê các sai lầm chi tiêu vào cuối tuần
Dù học hỏi được nhiều phương pháp chi tiêu, Hằng vẫn mắc một số sai lầm. Ví dụ, cô mua quá nhiều rau cho một lần đi siêu thị hay đi chợ mà ăn không kịp, dẫn tới nhiều rau héo, phải bỏ bớt. Hoặc trong một lần đi siêu thị, cô chủ quan nghĩ món hàng nhỏ sẽ có giá trị không quá lớn nên không kiểm tra giá trước khi thanh toán. Nhưng đến khi cầm hóa đơn, cô ngỡ ngàng khi 4 cục pin tiểu có giá gần 90.000 đồng, gấp 3-4 lần giá tiền với pin cùng loại mua ngoài tiệm tạp hóa.
Một sai lầm tiếp theo cô mắc phải là mua quần áo online. Do không được thử nên các món đồ không vừa cỡ (size) hoặc lên dáng không đẹp. Vì vậy, Hằng đã thống kê lại các sai lầm này để tránh mắc phải cho các lần chi tiêu sau.
Trên đây là 8 thói quen giúp nữ phóng viên tiết kiệm được 30% thu nhập mỗi tháng. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong việc quản lý chi tiêu của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.