Nhiều quán nhậu ở Sài Gòn thưa vắng khách, đến cả phố Tây Bùi Viện cũng như "chùa bà đanh"

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 30/03/2023 15:19 PM (GMT+7)
Khác với cảnh đông đúc ngày trước, Phố Tây Bùi Viện và hàng loạt nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM đang trong giai đoạn ế ẩm, chưa biết khi nào phục hồi trở lại. Chiều tối, vốn là thời điểm nhộn nhịp nhưng các cơ sở kinh doanh bán kèm rượu bia này vẫn phải "dài cổ" ngóng khách.
Bình luận 0

Không chỉ Hà Nội, mà tại TP.HCM, nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng đang kinh doanh ế ẩm. Trong khi quán nhậu, bia hơi tại Hà Nội giảm mạnh lượt khách vì các đợt kiểm tra nồng độ cồn thì tại TP.HCM, tình hình ế ẩm còn có thêm lý do khác: "Tiền đâu mà uống bia?!".

Phố Tây Bùi Viện vắng tanh, nhiều chỗ trả mặt bằng

Phố Tây Bùi Viện nằm ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, chiều tối ngày 29/3 vắng tanh. Hơn 18h, trong ánh đèn xanh đỏ, tiếng nhạc từ các quán bar vẫn xập xình nhưng cả con đường chỉ lác đác vài khách. 

Kinh tế khó khăn lan tới phố Tây Bùi Viện, quán nhậu 6h chiều vẫn chưa có khách - Ảnh 1.

Nhiều quán bar tại phố Tây Bùi Viện 18h bàn ghế bày sẵn nhưng chưa có khách. Ảnh: Hồng Phúc

Các cơ sở kinh doanh hai bên đường đã bày sẵn bàn ghế nhưng nhân viên thì nhiều, mà khách chẳng thấy đâu.

“Trước đây, từ 5h chiều là Bùi Viện bắt đầu nhộn nhịp rồi. 6h là đông khách, hơn một xíu nữa là hết chỗ. Khách đến rất đông, đến nỗi đường phố-ngay cả trong tuần-cũng phải hạn chế cho xe máy vào. Nhưng giờ nhìn đó, khách không có để mà mời luôn. 9h tối xe máy vẫn chạy được phà phà mà”, chị Thư - quản lý một quán bar có mặt bằng lớn nằm ngay trung tâm phố đi bộ Bùi Viện, nói.

Đã từ lâu chủ các quán bar, vũ trường tại phố Tây Bùi Viện vẫn chưa thấy lại cảnh nhộn nhịp, sầm uất như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo chị Thư, từ sau Tết đến nay, chỉ trừ các dịp lễ mới thấy kín bàn, còn lại, quán nào mà phục vụ được 50-70% công suất là đã mừng.

“Khách Tây chưa phục hồi vì họ đến Việt Nam chưa nhiều như trước. Còn khách Việt mình thì từ sau khi mở cửa lại sau dịch, họ cũng ít đến hơn. Đợt Tết phục hồi được một ít nhưng gần đây, khách Việt thưa lại. Khách quen cũng ít đến vì kinh tế khó khăn, họ cân nhắc khi uống bia. Doanh thu của chúng tôi cũng giảm”, chị Thư nói.

Kinh tế khó khăn lan tới phố Tây Bùi Viện, quán nhậu 6h chiều vẫn chưa có khách - Ảnh 3.

Một quán rượu góc đường Cống Quỳnh - Bùi Viện không có 1 khách hàng, chiều tối 29/3. Ảnh: Hồng Phúc

Ghi nhận của Dân Việt cũng cho thấy, lượng khách đến Bùi Viện khá thưa thớt dù trong cao điểm từ 20h-22h mỗi tối. Kinh doanh khó khăn khiến một số quán bar ngay đường Bùi Viện chưa mặn mà mở cửa trở lại. 

Đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẫu trong khu vực phố Tây trước đây luôn xập xình, đông đúc thì nay buổi tối lại "êm đềm" đến lạ thường, thậm chí còn trầm buồn hơn nhiều con đường phố khác. Hàng loạt cửa hàng, quán bar đã trả mặt bằng.

Thu nhập giảm nên ít đi nhậu...

Cách phố Tây Bùi Viện hơn 1km, quán Boeing 378 chuyên các món dê trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 cũng trong tình cảnh không khá hơn. Gần 18h, quán chưa có một vị khách nào ghé thăm, trong khi bàn ghế đã bày biện sẵn phía trước.

“Lượng khách đến nhà hàng của chúng tôi giảm khoảng 30% so với lúc trước. Khu vực phía trước, nhìn ra bờ kè có thể phục vụ được cùng lúc 20 bàn nhưng khi nào đầy. Dịch đã qua nhưng các nhà hàng, quán nhậu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn”, ông Trương Công Dân - chủ quán Boeing 378 nói với Dân Việt.

Kinh tế khó khăn lan tới phố Tây Bùi Viện, quán nhậu 6h chiều vẫn chưa có khách - Ảnh 4.

Quán dê trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM bàn ghế bày sẵn chiều tối nhưng khách cũng chưa thấy đâu. Ảnh: Hồng Phúc

Lý giải về việc vắng khách, theo ông Dân, do kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân bị giảm nên họ hạn chế ăn uống bên ngoài, bao gồm cả việc uống rượu bia. Các phòng VIP chuyên phục vụ rượu cũng giảm đáng kể, chủ yếu đón khách quen. 

“Chưa kể, chủ mặt bằng vừa tiếp tục tăng giá lên thêm 5 triệu đồng mỗi tháng. Giá các loại hàng hóa từ sau Tết đến nay đều tăng, chúng tôi phải cố gắng giữ giá trên menu để kéo khách. Lượng khách giảm đáng kể, tăng giá sẽ khiến mình càng khó khăn hơn”, ông Dân nói.

Nhiều “con đường bia bọt” tại TP.HCM như đường Hoàng Sa, Trường Sa, Bắc Hải, Phạm Văn Đồng… cũng chưa thể phục hồi như trước dịch.

Ông Định - chủ nhà hàng Vườn Quê ở TP.Thủ Đức xác nhận kinh doanh nhà hàng, quán ăn kết hợp rượu bia tại TP.HCM từ sau dịch đến nay rất khó. Ông cũng cho rằng chính túi tiền eo hẹp khiến khách ít chi tiêu bên ngoài. Rượu bia ngoài nhà hàng, quán nhậu cũng tiết giảm hơn so với trước.

Kinh tế khó khăn lan tới phố Tây Bùi Viện, quán nhậu 6h chiều vẫn chưa có khách - Ảnh 5.

Doanh thu các nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM giảm khoảng 30-40% so với trước vì kinh tế khó khăn. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ông Định, hậu quả là nhiều quán không mạnh về vốn liếng và thương hiệu đều bỏ cuộc sớm, rất nhiều nơi ở khu vực ngoài trung tâm TP.HCM đã trả mặt bằng.

“Riêng nhà hàng chúng tôi, lượng khách giảm khoảng 30%, khó mà bằng so với trước đây. Chúng tôi phải thắt chặt mọi chi phí. Thậm chí, có nơi phải tiết kiệm bằng cách đến tận nhà cung cấp để lấy hàng thay vì nhận thực phẩm, hàng hóa tại cửa hàng như trước”, ông Định nói với Dân Việt.

Chủ nhiều nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM cho rằng trong khoảng 6 tháng tới, tình hình kinh doanh dự kiến vẫn không mấy khả quan do bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Theo họ, trong tình hình vắng khách, giá mặt bằng vẫn cao, thậm chí còn tăng giá, lãi vay cao, khó tiếp cận nguồn vốn mới, việc đóng cửa, trả mặt bằng có thể sẽ còn tiếp diễn.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo HUBA, hiện lãi suất vay cao đang cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp, nâng lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem