Kinh tế nóng nhất: “Chúng ta không được phép đánh đổi..."

P.V (tổng hợp) Thứ tư, ngày 01/09/2021 19:33 PM (GMT+7)
Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ mức rất tích cực 6,5% xuống chỉ còn 4,7%. Đây là thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay. Năm 2022, dự báo GDP Việt Nam cũng hạ từ 7,3% xuống mức 7%.
Bình luận 0

Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

Kinh tế nóng nhất: Việt Nam không tăng trưởng chỉ nhờ vài ba tỷ USD - Ảnh 1.

Mức GDP được Standard Chartered điều chỉnh từ 6,5% với rất nhiều triển vọng trước đó, xuống 4,7% trong năm nay 2021. Ảnh CafeF

Ngày 1/9, ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo đó, mức GDP được Standard Chartered điều chỉnh từ 6,5% với rất nhiều triển vọng trước đó, xuống 4,7% trong năm nay 2021.

Theo lý giải của Standard Chartered, do chỉ số kinh tế suy yếu, dịch bệnh trầm trọng và tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm nên đây là lần thứ ba Standard Chartered buộc phải thay đổi theo hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Lần đầu tiên, Standard Chartered phải hạ từ mức 7,8% (kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ so với mức 2,9% năm 2020) đưa ra hồi đầu năm nay trong báo cáo hôm 21/1 lần lượt xuống còn 6,7%.

Sau đó giữa năm hạ từ mức tăng GDP 6,7% xuống 6,5% và hôm nay tổ chức này chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 4,7% vào cuối năm 2021.

Ngân hàng Standard Chartered cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất mới.

Đáng chú ý, Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ phục hồi trong quý IV/2021 và hoạt động thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cũng theo tổ chức này, còn một yếu tố cần tính đến chính là ảnh hưởng lâu dài của dịch Covid-19 sẽ tác động ra sao đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Standard Chartered, tình hình dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch, dịch vụ khác.

Giới chuyên gia nhận định, việc kinh tế Việt Nam bị hạ dự báo tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy sụp vì Covid-19 hoàn toàn không có gì bất thường.

Điều cần nhất hiện nay chính là nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, lo cho các tầng lớp dân nghèo, khó khăn trong xã hội, đẩy mạnh tiêm chủng.

Nhấn mạnh việc cần đánh giá dựa vào đúng thực tế để có nhận định chính xác nhất, chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, nếu ngăn chặn được dịch bệnh, mở rộng tiêm chủng, an yên lòng dân, thì mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là bao nhiêu đi nữa thì người dân cũng sẽ chấp nhận, đồng lòng. “Chúng ta không được phép đánh đổi. Nếu dịch bệnh gia tăng, không có cách nào để phát triển được”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Đáng lưu ý, bà Phạm Chi Lan có góc nhìn rất khác về xu hướng sụt giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhấn mạnh phát huy sức mạnh nội tại nền kinh tế bằng cách chú trọng đến chính các doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo bà Lan, FDI vào Việt Nam suy giảm do nhiều yếu tố như sàng lọc, dịch bệnh làm suy giảm các nguồn lực của nhà đầu tư và thách thức từ chu chuyển vốn, tư liệu sản xuất toàn cầu.

“Đây là những lý do khiến chúng ta suy giảm vốn. Tuy nhiên, “tái ông thất mã”, nền kinh tế Việt Nam không thể khủng hoảng vì vài ba tỷ USD vốn đầu tư suy giảm, chúng ta cần nhìn nhận thách thức để đổi thay”, chuyên gia Phạm Chi Lan lưu ý.

Cổ phiếu ngân hàng dần đánh mất vị thế

Kinh tế nóng nhất: “Chúng ta không được phép đánh đổi..." - Ảnh 2.

Cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở trong giai đoạn suy yếu. Ảnh: Lao động

Thời gian qua, cổ phiếu ngành ngân hàng là một trong những trụ cột chính dẫn dắt đà tăng của thị trường lập đỉnh hồi tháng 7 với mức trên 1.400 điểm.

Tuy nhiên, sau khi thị trường điều chỉnh, đến nay nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chưa lấy lại động lực tăng trở lại.

Một loạt cổ phiếu sụt giảm mạnh có thể kể tên đến như VIB, CTG, BID, VCB và TCB. Đáng chú ý, một số mã cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn này dù có tin tốt như bán công ty tài chính thu về khoản lợi nhuận lớn, chuẩn bị chia cổ tức khủng nhưng thị giá cổ phiếu lại không thể bứt phá như SHB, MSB.

Dữ liệu thị trường ghi nhận có tới 19 trên tổng số 27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tháng 8, với mức giảm phổ biến dao động khoảng 5-7% so với đầu tháng.

Cụ thể, trong 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM hiện nay, có tới 19 mã ghi nhận xu hướng giảm tháng 8 vừa qua.

Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng cùng ghi nhận mức giảm sâu trong tháng 8 này, trong đó, chủ yếu là các cổ phiếu niêm yết trên HoSE.

Cụ thể, cổ phiếu BID (BIDV) và LPB (LienVietPostBank) có cùng mức giảm 8% trong tháng 8, hiện lần lượt giao dịch ở mức 38.950 đồng/cổ phiếu và 23.050 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu HDB (HDBank), STB (Sacombank), OCB (OCB) có cùng mức giảm 7% trong tháng; cổ phiếu CTG (VietinBank) giảm 6%; TCB (Techcombank) giảm 5%; NAB (NamABank) giảm 4%...

Ngược lại với nhóm kể trên, dù cũng chịu xu hướng điều chỉnh nhưng một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn vẫn giữ được mức tăng trong một tháng qua như VCB (Vietcombank) và VPB (VPBank) tăng 2%; SHB và VAB (VietABank) cùng tăng 1%.

Nhận định xu hướng đi xuống của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán đều cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng sẽ chịu tác động trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Xăng pha chì đã chính thức bị xóa sổ trên toàn cầu

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc vừa đưa ra công bố không còn quốc gia nào trên thế giới sử dụng xăng pha chì. Đây được coi như “sự kết thúc của một kỷ nguyên độc hại”.

Xăng pha chì có nghĩa là trong xăng có pha thêm một ít Tetraetyl chì (C2H5)4Pb, có tác dụng làm tăng khả năng chịu nén của nhiên liệu dẫn đến tiết kiệm khoảng 30% lượng xăng sử dụng. Nhưng khi cháy trong động cơ thì chì oxit sinh ra sẽ bám vào các ống xả, thành xilanh, nên thực tế còn trộn vào xăng chất 1,2 – đibrometan CH2Br – CH2Br để chì oxit chuyển thành muối PbBr2 dễ bay hơi thoát ra khỏi xilanh, ống xả và thải vào không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Vào đầu những năm 1920, chất chì bắt đầu được thêm vào xăng để cải thiện hiệu suất động cơ. Cảnh báo được đưa ra ngay từ năm 1924, khi 5 công nhân được tuyên bố tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện vì co giật tại một nhà máy lọc dầu do tập đoàn dầu mỏ Standard Oil của Mỹ điều hành.

Tuy nhiên, bất chấp điều này, chì vẫn tiếp tục được thêm vào xăng trên toàn cầu. Cho đến những năm 1970, các nước phát triển bắt đầu loại bỏ dần loại nhiên liệu này. Tuy vậy, ba thập kỷ sau, vào đầu những năm 2000, vẫn còn 86 quốc gia sử dụng xăng pha chì.

Nhiên liệu độc hại này đã làm ô nhiễm không khí, đất và nước nghiêm trọng trong gần một thế kỷ qua. Không những thế, loại xăng này có thể gây ra bệnh tim, ung thư, đột quỵ và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não bộ của trẻ em.

Hầu hết các nước phát triển đã cấm sử dụng nhiên liệu này từ những năm 80 của thế kỉ trước. Cho đến tháng 7/2021, Algeria là quốc gia cuối cùng chính thức khai tử xăng pha chì. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi việc loại bỏ loại xăng này là một "sự thành công quốc tế".

Giá lợn hơi giảm sâu, thịt lợn bán ra chợ vẫn đắt bởi giá thuê xe quá cao 

Kinh tế nóng nhất: “Chúng ta không được phép đánh đổi..." - Ảnh 3.

Giá lợn hơi giảm nhưng thịt lợn bán tại chợ vẫn đắt. Ảnh: Lao động

Giá lợn (heo) hơi tại Hà Nội chỉ khoảng 52.000-53.000 đồng/kg, nhưng do chi phí liên quan đến dịch bệnh cao nên giá thịt (móc hàm) tại chợ đầu mối vẫn neo cao ở mức 90.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí thuê xe “luồng xanh” để chở, nên giá thịt lợn bán tại chợ vẫn phải bán ra ở mức 120.000 đồng-160.000 đồng/kg người bán mới có lãi.

Theo anh Nguyễn Văn Đê, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, vợ chồng anh bị “kẹt” lại nên tiếp tục thuê xe “luồng xanh” chở hàng về bán.

Lý giải nguyên nhân tại sao giá lợn hơi giảm sâu, chỉ còn 52.000-53.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn vẫn giữ cao như cũ, anh Đê cho biết thêm: “Chi phí cho xe “luồng xanh” quá lớn. Chỉ chở thịt lợn trong khu vực Hà Nội, giá thuê xe đã lên tới 2.100.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày bán 1 con lợn, 3 hộ kinh doanh chúng tôi phải chung tiền thuê chung 1 xe mới giảm được chi phí, nếu không giá thịt lợn sẽ phải đội lên nhiều”.

Anh Nguyễn Quân – kinh doanh thịt lợn tại ngõ 56 Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết: Người  kinh doanh hiện nay phải chi trả rất nhiều chi phí: Tiền test Covid-19 mỗi lần hết 200.000 đồng, mỗi tuần test 3 lần mất 600.000 đồng, chưa kể test PCR phải mất gần 800.000 đồng; tiền thuê xe “luồng xanh” chở hàng; tiền thuê phòng trọ để ở lại Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội…

“Đi chợ bán hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, lời lãi không đáng bao nhiêu nhưng nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Vì vậy, chúng tôi phải tăng chi phí chống dịch, khử khuẩn, sát trùng hàng ngày, khiến giá thành sản phẩm bị tăng lên, giảm mất lợi nhuận. Nếu phải giảm giá thì tiểu thương nghỉ ở nhà hết” – anh Nguyễn Quân chia sẻ.

Một số tiểu thương cũng cho biết, giá lợn hơi giảm, nhưng lợn ở xã nào bán ở xã đó, lượng cấp ra thị trường không nhiều, nên giá thịt tại chợ vẫn cao.

Trung Quốc: Kỳ lạ loại lúa cao 2m mọc được trong nước mặn

Trung Quốc: Kỳ lạ loại lúa cao 2m mọc được trong nước mặn. Theo New China TV/ Zing

Có chiều cao gấp đôi giống lúa bình thường, loại cây trồng này có khả năng chịu hạn mặn, ngập úng tốt và cho sản lượng cao.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem