Kinh tế Trung Quốc đã vượt qua những ngày tồi tệ nhất vì dịch Covid-19

Thứ tư, ngày 11/03/2020 11:28 AM (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 lan rộng ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, thì Chính quyền Tập Cận Bình đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất cả về kiểm soát bệnh dịch và phục hồi nền kinh tế. Điều đó thể hiện từ chuyến thăm Vũ Hán của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10/3 vừa qua.
Bình luận 0
Kinh tế Trung Quốc đã vượt qua những ngày tồi tệ nhất vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 tại Trung Quốc gần như được kiểm soát hoàn toàn với số ca nhiễm mới chỉ tăng 24 ca trong ngày 10/3

Theo nhận định của ông Kevin Tay, Giám đốc đầu tư chiến lược của ngân hàng Thuỵ Sĩ UBS tại Singapore, năng lực sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ tại nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc giảm xuống mức rất thấp. “Điều đó có thể sẽ giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới trở lại đúng hướng phát triển sau sự bùng phát dịch virus corona.

Các nhận định được ông Kevin đưa ra ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Vũ Hán hôm 10/3. Đây là chuyến thăm Vũ Hán đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019 đến nay. Vũ Hán là nơi ca nhiễm virus corona đầu tiên được báo cáo, cũng là một trong những địa phương còn phát hiện ca nhiễm virus corona mới tại Trung Quốc.

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của ING nhận định: “Chuyến thăm Vũ Hán của ông Tập Cận Bình là một động thái mang tính biểu tượng cho thấy Chính quyền Tập Cận Bình đã kiểm soát thành công dịch bệnh và đang dần hồi phục từ dịch Covid-19”. Nhưng Iris Pang tỏ ra thận trọng, cho rằng vẫn có rất nhiều hành khách nhập cảnh vào Trung Quốc mỗi ngày cũng như các công nhân nhập cư từ địa phương khác trở về nhà máy, do đó kéo theo nguy cơ lây lan một làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

Tính đến sáng 11/3, dịch Covid-19 đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 119.200 ca nhiễm virus và 4.295 ca tử vong được báo cáo, theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt tại Trung Quốc, nhưng chứng kiến sự bùng phát ở nhiều quốc gia khác như Italy, một trong những nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng EUR. 

Riêng trong ngày 10/3, Italy xác nhận thêm gần 1.000 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 10.149 ca. Số ca tử vong tăng mạnh 168 ca lên 631 ca, mức tăng lớn nhất kể từ khi Italy ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Chính phủ Italy sau đó đã quyết định phong tỏa cả đất nước trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Ông Kevin Tay nhận định Chính quyền Tập Cận Bình có lợi thế hơn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 do chính phủ đã thực hiện công tác kiểm soát sân bay và cảng ngay từ giai đoạn đầu tiên, đồng thời phong tỏa nhiều thành phố và cách ly hàng chục triệu người. 

Nhận xét về tác động từ sự bùng phát dịch Covid-19 trên thế giới với nền kinh tế Trung Quốc, ông Kevin chỉ ra rằng 60% động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tức là nếu sản xuất trong nước tăng tốc và làn sóng tiêu thụ trong nước phục hồi, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ chịu ít ảnh hưởng từ việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Italy.

Dĩ nhiên, dịch Covid-19 cũng bắt đầu thể hiện những ảnh hưởng lớn trong dữ liệu kinh tế được Chính quyền Tập Cận Bình công bố gần đây. Giá sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 2 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, gây ra nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế. Trong khi đó, giá tiêu dùng tăng mạnh 5,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với dự báo của các nhà phân tích.

Dữ liệu thương mại được công bố cuối tuần trước cũng cho thấy sự giảm mạnh các lô hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, gây ra mức thâm hụt thương mại 7,09 tỷ USD.

Thùy Dung (CNBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem