Kinh tế Việt Nam 2024: Băng băng về đích, sẵn bước vượt ngàn chông gai
Tăng trưởng cao, xác lập nhiều kỷ lục: Chuyên gia đánh giá 3 "cái được" từ Chính phủ
An Linh - Huyền Anh
Thứ hai, ngày 30/12/2024 09:06 AM (GMT+7)
Năm 2024, kinh tế Việt Nam nổi bật với mức tăng trưởng GDP ước đạt 7%, cao nhất khu vực ASEAN, giữa bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn. Không chỉ thu hút vốn FDI cao kỷ lục, Việt Nam còn khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành điểm đến chiến lược cho các "đại bàng" công nghệ như Nvidia.
'Thần kỳ' là mỹ từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dành cho Việt Nam khi đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trong 11 tháng qua. Mạnh mẽ vượt qua tác động khủng khiếp của cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua – bão Yagi, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với 7,4% trong quý III/2024 (theo Tổng cục Thống kê). Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, lạm phát duy trì dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo đạt mức 3,2% GDP. Đây là mức tăng trưởng thấp, phản ánh tác động từ các bất ổn địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, và xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Tại khu vực ASEAN, theo Báo cáo tóm tắt Hội nhập Kinh tế ASEAN năm 2024 (ASEAN Economic Integration Brief, số 15) của Ban Thư ký ASEAN, các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, đạt 4,6% trong năm 2024, và nhích lên 4,7% vào năm 2025.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và duy trì ở mức thấp, kinh tế Việt Nam nổi bật như một điểm sáng với mức tăng trưởng ước đạt 7%/năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024 đánh dấu giai đoạn phục hồi và bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sau thời gian chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dự kiến, GDP sẽ tăng trưởng trên 7%, đưa quy mô nền kinh tế vượt ngưỡng 450 tỷ USD. Đáng chú ý, mức tăng trưởng 7% của Việt Nam còn là con số cao nhất trong khu vực ASEAN, nơi nhiều quốc gia vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm.
Cùng với đó, nhập khẩu hướng tới mốc lịch sử là 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng 15% so với năm ngoái và vượt xa so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao (6%). Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ duy trì được sự ổn định mà còn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hơn thế, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Những mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ, cà phê, và sầu riêng đã đạt giá trị xuất khẩu từ hàng tỷ đến chục tỷ USD, khẳng định tiềm năng phát triển bền vững và năng lực chinh phục nhiều thị trường khó tính.
quá trình phục hồi kinh tế không chỉ dừng lại ở những cải thiện mang tính tổng thể mà còn diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau, từ xuất khẩu, đầu tư đến du lịch
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Vượt qua những tổn thương sâu sắc từ đại dịch Covid-19 năm 2020, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ngành và lĩnh vực không chỉ thoát khỏi khó khăn mà còn bứt tốc, trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, một số lĩnh vực đã có bước tiến vượt bậc, phát triển theo chiều sâu nhờ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, điển hình như viễn thông và điện tử.
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, với nhiều sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Các thương hiệu như FPT, Viettel trong lĩnh vực công nghệ hay VinFast trong ngành ô tô điện không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Bàn về những dấu ấn nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng, quá trình phục hồi kinh tế không chỉ dừng lại ở những cải thiện mang tính tổng thể mà còn diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau, từ xuất khẩu, đầu tư đến du lịch. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, vốn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập trong đầu năm, đã giảm dần. Trong những quý tiếp theo, số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đã vượt qua số doanh nghiệp rút lui, phản ánh sự hồi sinh và sức sống ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Ông Thành cũng lưu ý rằng, dù kinh tế thế giới chưa đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, song quá trình phục hồi của những nền kinh tế lớn và các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mang lại tác động tích cực cho Việt Nam. Sự cải thiện này không chỉ tạo động lực cho xuất khẩu và đầu tư mà còn củng cố vững chắc đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.
Nội tại, TS Võ Trí Thành nêu ra 3 "cái được" từ phía Chính phủ.
Thứ nhất, tính quyết liệt và triệt để. Điều này được thể hiện rõ qua nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư công, giải quyết các vướng mắc tại các địa phương, cũng như xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để kích thích đầu tư. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt với Quốc hội trong việc sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các khung pháp lý mới đã góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình triển khai các chính sách.
Thứ hai, bám sát tình hình trong và ngoài nước để điều chỉnh kịp thời chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, đầu tư và kinh doanh. Ví dụ, khi đối mặt với các biến động quốc tế hoặc các ách tắc trong các dự án trọng điểm (như năng lượng, hay khu vực chịu ảnh hưởng của siêu bão Yagi), Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các chính sách kết hợp giữa kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Thứ ba, xây dựng nền tảng dài hạn. Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, Chính phủ đã đẩy mạnh xây dựng các nền tảng cơ bản về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển bền vững. Mặc dù những chuyển biến này chưa đạt kỳ vọng, nhưng tư duy chiến lược dài hạn đã thể hiện rõ nét qua việc đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, đặt nền móng cho khát vọng Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các kết quả tích cực trong năm 2024, mà còn tạo động lực để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, bày tỏ ấn tượng với con số đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt kỷ lục mới trong năm 2024. Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, ông cho biết, năm 2024, thu ngân sách ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó thu từ thuế ước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
"Thu thuế cao kỷ lục thể hiện ở sự đóng góp lớn của doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế khi bối cảnh nhiều mặt hàng nhập khẩu giảm thuế suất do ưu đãi. Minh chứng cho nội lực nền kinh tế đang lớn mạnh", ông Phụng nói.
Một tín hiệu vui đối với Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị GDP, khi tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên như khai khoáng, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn đã và đang giảm. Thay vào đó là tỷ trọng đóng góp ngày càng nhiều của các ngành sản xuất giá trị gia tăng cao, công nghệ, khoa học kỹ thuật như điện tử, viễn thông, dịch vụ.
Ngày càng nhiều địa phương có sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng, đi đầu chuyển đổi tỷ trọng đóng góp GDP và xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, đi đầu là tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh,...
Năm 2024, bên cạnh tăng trưởng kinh tế ấn tượng, quy mô GDP và thu ngân sách đạt kỷ lục, Việt Nam còn ghi dấu ấn mạnh mẽ khi trở thành điểm đến của nhiều "cá mập" và "đại bàng" công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Minh chứng rõ nét là Nvidia, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về AI, đã khước từ một số đối tác trong khu vực ASEAN để chọn Việt Nam làm nơi đặt hai trung tâm AI chiến lược. Điều này thể hiện sức hút ngày càng lớn của Việt Nam trong khu vực.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được gần 31,4 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI thực hiện ước đạt trên 21 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ Nvidia, năm 2024 còn chứng kiến hàng loạt dự án công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào các địa phương như Bắc Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng.
Trong khi các chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thế giới đứt gãy nhiều nơi do xung đột chính trị, chiến tranh và tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Việt Nam có sự ổn định về chính sách phát triển khi coi trọng nội lực và mở cửa với ngoại lực. Việt Nam thực sự đã trở thành đích đến cho cá nhà đầu tư lớn, chiến lược của thế giới trong những ngành mà chúng ta chọn lựa.
“Việt Nam đang nổi lên như một địa bàn đầu tư, cạnh tranh chiến lược vì nhiều sức hút. Chúng ta hiểu rõ giá trị của mình và cần xác định rõ vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận diện điểm yếu chính mình như lao động thiếu kỹ năng, cơ sở hạ tầng cứng - mềm còn nhiều hạn chế, áp lực dân số già và kỹ năng làm việc…) phải tranh thủ tận dụng”, GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia về quan hệ thương mại và kinh tế thế giới tại Hoa Kỳ nói với Dân Việt.
Theo GS Vinh, hiện Việt Nam có 19 FTAs thế hệ mới song và đa phương, trong đó các nước lớn đều có quan hệ thương mại với Việt Nam với kim ngạch lớn.
Thách thức nội tại
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức từ nội tại. Cấu trúc kinh tế chậm chuyển đổi và khả năng thích nghi với những biến động của thị trường quốc tế còn hạn chế. Là một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào FDI và xuất nhập khẩu, Việt Nam dễ bị tổn thương trước những thay đổi từ kinh tế toàn cầu và các xung đột địa chính trị.
Thêm vào đó, gánh nặng hành chính và bộ máy cồng kềnh với chi phí chi thường xuyên quá cao đang gây áp lực lớn, làm giảm nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, cũng như các lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ và giáo dục. Giá trị gia tăng trong nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể, trong khi năng suất lao động nhiều năm liền không đạt mức tăng trưởng cao.
Theo các chuyên gia, để vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động, hiệu quả và có khả năng "chơi cùng mâm" với các cường quốc kinh tế trên thế giới, Việt Nam cần thực hiện những cải cách mạnh mẽ và đột phá trong các lĩnh vực kinh tế. Những cải cách này không chỉ nhằm giải quyết những điểm yếu nội tại, mà còn tạo ra động lực phát triển mới, thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng bền vững.
TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) từng cho rằng: Nhiều ngành, lĩnh vực Việt Nam vẫn sợ cạnh tranh, sau hàng chục năm đổi mới, phát triển nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Một vấn đề Việt Nam đang đối mặt đó là việc dịch chuyển giá trị tăng trưởng sang các ngành và sản phẩm dựa trên khoa học, công nghệ (KHCN) còn chậm, trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự ứng dụng mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi lĩnh vực để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp và chuyển biến chậm trong nhiều năm.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh khoa học công nghệ và giáo dục là một trong ba đột phá chiến lược. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đầu tư đúng mức vào KHCN, cũng như chưa tận dụng hiệu quả giới tinh hoa công nghệ trong các cơ quan Nhà nước và các dự án phát triển công nghệ.
“Cải cách khu vực quản trị Nhà nước, đầu tư lớn cho khoa học công nghệ, cho con người là những việc cần làm ngay để Việt Nam bắt kịp, đi cùng với thế giới. Đó là con đường duy nhất để chúng ta hướng đến sự thịnh vượng”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang nhận được cú hích mạnh mẽ từ sự hoàn thiện hạ tầng giao thông, năng lượng và số hóa. Đường cao tốc Bắc – Nam và mạch điện cao thế 500kV là những dự án quan trọng, không chỉ tăng cường kết nối liên vùng mà còn đảm bảo ổn định năng lượng giữa các khu vực. Đồng thời, việc ban hành và thực thi các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ tạo môi trường thể chế minh bạch hơn, hỗ trợ phát triển kinh tế dài hạn.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp cũng như hệ thống chính trị. Những bước tiến mạnh mẽ này không chỉ mang lại đột phá cho nền kinh tế mà còn mở ra cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả cả động lực truyền thống lẫn các nguồn lực mới.
Báo cáo của Oxford Economics cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất chip bán dẫn tại khu vực, với sự hiện diện của Intel và Amkor Technology. Đây là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hứa hẹn tạo ra luồng gió mới cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Oxford Economics dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong những năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.