Kon Tum: Khai trương trụ sở loài củ được ví là "quốc bảo" của Việt Nam, trồng 6-7 năm mới được đào

Thiên Ngân Thứ hai, ngày 29/11/2021 14:23 PM (GMT+7)
Sáng 29/11, Trụ sở Sâm Việt Nam “Quốc bảo sâm Việt Nam – Sâm của người Việt” đã chính thức khai trương tại số 740 Phạm Văn Đồng, phường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), do Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam đầu tư.
Bình luận 0

Khai trương trụ sở sâm - loài củ được ví là "quốc bảo" của Việt Nam

Tham dự sự kiện khai trương trụ sở sâm Việt Nam sáng 29/11, có ngài Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam; ông Gabor Fluit - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; ông Johan Van Den Ban - Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam…, cùng đại diện Bộ NNPTNT và tỉnh Kon Tum.

Kon Tum: Khai trương trụ sở loài củ được ví là "quốc bảo" của Việt Nam, trồng 6-7 năm mới được đào   - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai trương Trụ sở Sâm Việt Nam "Quốc Bảo Sâm Việt Nam - Sâm của người Việt". Ảnh: Hoàng Lộc

Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam hiện sở hữu vườn sâm gốc với diện tích hơn 10ha tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) của Kon Tum. Bên cạnh đó còn có Khu nghiên cứu và phát triển nguồn giống từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm, có tổng diện tích 1.700m2 tại thị trấn Măng Đen, được liên kết trực tiếp với Viện Sinh học TP Hồ Chí Minh, Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh.

Phát biểu tại lễ khai trương trụ trở sâm Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Sâm Việt Nam chia sẻ:

"Công ty được thành lập và phát triển ngay tại vùng đất "thánh địa" linh thiêng trồng Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Trên đỉnh cao của dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ đã xuất hiện một loài thực vật bản địa hấp thu linh khí ngàn năm, có giá trị thảo dược cao quý. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Công ty CP đầu tư Sâm Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu phát triển các sản phẩm, với sự tư vấn chuyển giao của các chuyên gia đầu trong ngành, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp sâm Việt Nam đạt chất lượng tốt nhất" - ông Vũ nói.

Với việc triển khai các dự án trồng sâm tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, Công ty CP đầu tư Sâm Việt Nam đang tạo sinh kế cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số vùng núi Ngọc Linh, giúp bà con cải thiện cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

"Sâm Việt Nam mong muốn phát triển thương hiệu trở thành 1 sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, được bạn bè quốc tế biết đến, tin dùng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế" - ông Vũ khẳng định.

Kon Tum: Khai trương trụ sở loài củ được ví là "quốc bảo" của Việt Nam, trồng 6-7 năm mới được đào   - Ảnh 3.

Ngài Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam (giữa) đánh giá "sâm Ngọc Linh rất tuyệt vời". Ảnh: Minh Phúc.

Tham dự lễ khai trương trụ sở Sâm Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Liêm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Sâm Ngọc Linh được biết đến là loại sâm quý, được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam. Sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh, thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý trời ban cho Việt Nam. Sâm Ngọc Linh trồng đến năm thứ 3 thì ra hoa, năm thứ 4 mới có hạt để thu hoạch. Sau 6-7 năm có thể thu hoạch củ, nhưng sâm Ngọc Linh càng để lâu thì giá trị càng cao.

Do tính đặc hữu và giá trị kinh tế to lớn, là thảo dược cao quý và có tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người nên hiện nay sâm Ngọc Linh đã được tỉnh Kon Tum xác định là một trong những sản phẩm chủ lực cần được bảo tồn và phát triển".

Được thưởng thức rượu sâm Ngọc Linh, ngài Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết: "Sâm Ngọc Linh rất tuyệt vời".

Phát biểu tại lễ khai trương trụ sở Sâm Việt Nam, ngài Willem Schoustra nhấn mạnh: "Sâm là sản phẩm rất quý, nhưng muốn trồng được nó thì cần phải có kỹ thuật rất cao và phải có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp. Ở thị trường châu Âu, nhất là Hà Lan, chúng tôi cũng đã làm quen với hương vị của sâm như trà sâm, chủ yếu có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ đến việc xuất khẩu sản phẩm sâm Ngọc Linh sang EU thì cần phải tính toán làm thế nào để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Hàn Quốc".

"Năm 2020, Hà Lan và Việt Nam đã đạt thoả thuận Hiệp định thương mại tự do. Hà Lan tuy là một nước nhỏ ở châu Âu nhưng là cửa ngõ xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu. Hy vọng các doanh nghiệp Việt sẽ coi Hà Lan như một cửa ngõ để xuất khẩu sản phẩm", ngài Willem Schoustra nói thêm. 

Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo các kết quả nghiên cứu, sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác. Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tốt nhất so với các loại sâm hiện nay trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem