Kon Tum: Giá hồng đẳng sâm núi Ngọc Linh xuống thấp chưa từng có, người dân lao đao

Hoàng Lộc Thứ tư, ngày 03/11/2021 08:59 AM (GMT+7)
Cùng với "quốc bảo" Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm là một trong những cây dược liệu quý của vùng núi Ngọc Linh Kon Tum. Tuy nhiên, giá hồng đẳng sâm xuống thấp nhất từ trước đến nay khiến nhiều nông dân lao đao.
Bình luận 0
Kon Tum: Giá hồng đẳng sâm xuống thấp chưa từng có, người dân vùng núi Ngọc Linh lao đao - Ảnh 1.

Thương lái thu mua hồng đẳng sâm Kon Tum với giá chỉ bằng một phần ba so với những năm trước. Ảnh: Hoàng Lộc

Hồng đẳng sâm là loại cây thân leo, mọc bò trên mặt đất, được trồng ở một số huyện của tỉnh Kon Tum như Kon Plông, Tu Mơ Rông và đặc biệt là vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei. 

Đây là vùng núi có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu lạnh nên rất phù hợp với hồng đẳng sâm.

Hồng đẳng sâm được di thực từ môi trường tự nhiên về trồng trên diện tích đất đồi, đất rẫy, vườn để lấy củ làm dược liệu, sản phẩm hàng hóa. 

Trong nhiều năm qua, đây là một trong những cây dược liệu chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. 

Hiện, tại huyện Đăk Glei có khoảng 594 ha hồng đẳng sâm, tập trung nhiều ở hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh.

Tuy nhiên thời gian gần đây, giá hồng đẳng sâm xuống thấp chưa từng có khiến cho người nông dân lao đao.

Kon Tum: Giá hồng đẳng sâm xuống thấp chưa từng có, người dân vùng núi Ngọc Linh lao đao - Ảnh 2.

Một vườn hồng đẳng sâm của người dân vùng núi cao Ngọc Linh. Ảnh: Hoàng Lộc

Anh A Năng (thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) cho biết, gia đình anh trồng khoảng 1 sào (1.000m2) hồng đẳng sâm, mỗi năm thu hoạch gần 1 tạ củ sâm. 

Trước đây thương lái thu mua với giá từ 100.000 – 300.000 đồng/kg tùy theo loại to nhỏ. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, các thương lái thu mua với giá rất thấp, chỉ bằng 1/2, 1/3 so với những năm trước. 

Ngoài ra do đất dốc nên trong các đợt bão lũ vừa qua, nhiều diện tích trồng hồng đẳng sâm bị xói mòn gây thối rửa củ sâm, gây thiệt hại lớn cho gia đình anh.

Trong khi đó, ông A Thao, một người có thâm niên trồng hồng đẳng sâm lâu nhất ở Đăk Glei, cho biết: "Với 1 ha hồng đẳng sâm, trước đây gia đình thu được khoảng 250 triệu đồng, còn bây giờ chỉ hơn 100 triệu đồng thôi. Với mức thu nhập đó thì cũng bằng trồng mỳ, cái khó của bà con là vùng này dốc nên trồng mỳ năng suất không cao".

Kon Tum: Giá hồng đẳng sâm xuống thấp chưa từng có, người dân vùng núi Ngọc Linh lao đao - Ảnh 3.

Hồng đẳng sâm được dùng để bào chế dược liệu, ngâm rượu, nấu nước uống hoặc chế biến thực phẩm rất bổ dưỡng. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, tình trạng giá hồng đẳng sâm, còn gọi là sâm dây thời gian vừa qua bị xuống thấp khiến người dân rất lo lắng. 

Mặt khác, thời điểm này mưa nhiều nên củ hồng đẳng sâm dễ bị hư thối, người dân buộc phải thu hoạch chứ không để được.

"Các thương lái nói do đường sá sạt lở, đi lại khó khăn, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hàng không xuất bán được. Do vậy họ chỉ mua được với giá như vậy thôi", ông Thế thông tin thêm.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem