Các nạn nhân tập trung chủ yếu tại 4 làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt thương tâm là nhiều trẻ sinh trong vòng 10 năm trở lại đây cũng bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có các bé mới 2-3 tuổi.
Ông Thuận cho hay: “Trước đây tại chân đồi Sac Ly từng là kho đạn và hóa chất của lính ngụy, có thể sau thời gian dài chất hóa học ngấm vào các mạch nước nguồn. Khi bà con trồng rau màu và cây ăn quả thì phần lớn diện tích đất đã bạc màu, nguồn nước bị ô nhiễm nên năng suất rất thấp. Những đứa trẻ có bố mẹ làm việc ở khu vực này khi sinh ra đều bị teo chân, tay, chậm phát triển, khờ khạo, bị bệnh về mắt...”.
Cả xã có 9 làng thì làng Kbay có số người nhiễm chất độc da cam/dioxin nhiều nhất, với 13 trường hợp. Ông A Hào – Trưởng thôn Kbay cho biết: “Số nạn nhân này đều rơi vào những gia đình đang sinh sống tại chân đồi Sac Ly”. Nhà chị Y Hưr cả 2 mẹ con đều nhiễm chất độc, sức khỏe rất kém. Chị bộc bạch: “Nhà nằm ngay dưới chân đồi Sac Ly, nghe người ta nói rằng ở đây độc hại lắm, nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất độc hóa học. Nhưng nếu chuyển đi, mình không biết sẽ sống ở đâu, làm gì”.
Ông Nguyễn Minh Thuận cho biết, trước thực trạng trẻ em cũng bị nhiễm chất độc, xã rất lo lắng nhưng không đủ trình độ chuyên môn để thẩm định nguyên nhân vì sao số người dân sinh sống tại chân đồi Sac Ly bị nhiễm chất độc hóa học dioxin. “Chỉ biết kết quả kiểm tra của một bệnh viện lớn ở TP.HCM cho thấy một số người dân Sa Bình bị nhiễm chất độc hóa học dioxin” - ông Thuận nói.
Lo ngại trước việc người dân bị nhiễm độc, UBND xã Sa Bình đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất với UBND huyện Sa Thầy tạo điều kiện cấp đất sản xuất mới cho nông dân đang sống quanh đồi Sac Ly nhưng đến nay vẫn không thấy trả lời.
Ngô Xuân – Ngọc Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.