Krông Bông (Đăk Lăk): Không cầu, dân phải đu dây

Duy Hậu Thứ tư, ngày 29/10/2014 07:41 AM (GMT+7)
Trong khi ngân sách nhà nước vẫn thất thoát đáng kể do trốn thuế, quản lý kém hiệu quả hay ưu đãi thuế quá mức, thì lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội tại nhiều địa phương, chẳng hạn như Krông Bông (Đăk Lăk), vẫn rất “đói” vốn đầu tư.
Bình luận 0

“Nếu rớt xuống sông, tôi đã mất mạng”

Cũng ở Krông Bông, tại xã Hòa Lễ, gần 10 năm qua, người dân phải chấp nhận qua sông bằng cách treo mình trên những sợi dây cáp. Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết, trên thực tế vẫn có đường bộ để sang sông nhưng vì đi vòng quá xa, nên người dân mới nghĩ ra cách đu dây vượt sông để đến nơi canh tác. Đã khiến không ít người suýt gặp “hà bá”.

Gần đây, ngày 15.8.2014, bà Nguyễn Thị Thọ (52 tuổi) suýt phải bỏ mạng vì vừa treo người lên đi được một đoạn chưa tới mép nước thì ròng rọc bị đứt, bà té xuống bất tỉnh. Rất may, ngay sau đó bà được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu. Bị thương tích khắp người nhưng bà Thọ vẫn cho là mình may mắn, vì “hôm ấy nước sông lớn lắm, nếu rớt xuống sông thì tôi đã mất mạng”.

Theo ông Sơn, từ năm 2010 về trước, do tình hình khó khăn chung, xã không dám kêu ca xin đầu tư. Từ năm 2011, xã đã bắt đầu đề xuất Nhà nước đầu tư cầu cho dân đi lại song đến nay vẫn chưa có phản hồi nào tích cực. Người dân Hòa Lễ vẫn phải chấp nhận chọn cách đu dây sang sông để tiện đường mưu sinh.

img
Người dân thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông du dây cáp qua sông về nhà sau buổi đi làm nương. 

Ở xã Hòa Phong (một xã khác của huyện Krông Bông) nhiều năm qua, hàng chục giáo viên vẫn phải lặn lội hàng chục cây số, tránh sông đến thôn Noh Prông để dạy học. Mùa mưa lũ, thôn Noh Prông - nơi có hơn 2.000 dân sinh sống, như một ốc đảo. Việc đi lại rất khó khăn, nhưng một cây cầu được xây dựng lưng chừng đã dừng lại “nằm chờ vốn” từ 3 năm qua.

Nếu có nhà bán trú, các em đã không chết…

Hơn 6 tháng trước, tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) đã xảy ra một tai nạn đau lòng. Trưa 11.3.2014, năm học sinh của Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm) bị sập hố cát chết thảm bên sông. Khi ấy, trả lời phóng viên, ông Trần Quốc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này đã rất đau lòng: “Giá như các em có một ngôi nhà bán trú thì chắc đã không đến nông nỗi này”.

Krông Bông là huyện nghèo của tỉnh Đăk Lăk. Chuyện xây một ngôi nhà bán trú cho học sinh, chính quyền sở tại đã nghĩ đến, nhưng lực bất tòng tâm vì thiếu vốn đầu tư. Gần 10 năm qua, kể từ khi Trường Trần Hưng Đạo được thành lập, học sinh ở các xã lân cận như Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao (huyện Krông Bông), Vụ Bổn (huyện Krông Păk), Cư San (huyện Mar Đrăk)… đã đến đây để học. Nhưng đường núi cách trở, phải đi hàng chục cây số mới đến được trường, nhiều gia đình đã mượn đất những nhà gần trường dựng lều tranh tre nứa lá cho các em trọ học.

Ông Dương Kim Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo đau đáu: “Các em trọ học rất khổ, mùa nắng còn đỡ, chứ mưa xuống thì nước tạt tứ bề. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Nan giải hơn, gia đình và cả nhà trường không thể quản lý được khi các em ở nhà trọ. Từ năm 2007, nhà trường đã thấy được chuyện này và đã rất mong được ngân sách hỗ trợ đầu tư xây một ngôi nhà bán trú cho các em”.

Được biết, từ sau vụ tai nạn đau lòng làm chết 5 học sinh, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Đăk Lăk đã có kế hoạch đầu tư xây nhà bán trú cho các em. Song đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem