Kỳ án vụ giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng: Bị cáo kêu oan và bí ẩn thời gian nạn nhân tử vong
Kỳ án vụ giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng: Bị cáo kêu oan và bí ẩn thời gian nạn nhân tử vong
Gia Bình
Thứ ba, ngày 23/05/2023 13:54 PM (GMT+7)
Bị xác định vì vay 1,5 chỉ vàng, Vi Văn Phượng (Bắc Giang) giết mẹ vào hơn 11 giờ nhưng kết luận giám định thể hiện nạn nhân chết chậm nhất 4 tiếng sau ăn, tức trước 10 giờ 30. Bị cáo này kêu oan, cho hay khi về nhà vào hơn 11 giờ đã thấy mẹ tử vong.
Sáng 23/5, TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm Vi Văn Phượng (SN 1968) về tội "Giết người" với tình tiết tăng nặng giết mẹ đẻ, tức cụ Nguyễn Thị Vui (SN 1926).
Vụ án xảy ra năm 2012, cơ quan tố tụng Bắc Giang khi đó xác định ông Phượng từng vay mẹ 1,5 chỉ vàng cho con đi xuất khẩu lao động. Cụ Vui vốn bị mù nên khi được trả, lại nói "vàng giả" nên ông Phượng bực tức.
Theo cơ quan tố tụng chiếc giường nơi cụ Vui nằm rồi "bị con trai chém vì 1,5 chỉ vàng". Ảnh TL
Sáng 5/10/2012, bị cáo đi làm rồi ăn trưa tại nhà người khác đến hơn 11 giờ ra về để mua mì tôm nấu cho mẹ nhưng khi tới nhà lại dùng dao chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Ông bị bắt vào ngày 19/5/2012.
Các chứng cứ có được bao gồm chiếc áo cộc màu trắng bị cáo Phượng mặc khi chém, được vắt lên dây phơi sau khi gây án và hung khí là con dao quắm.
Năm 2016, TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối ông Phượng vì lý do chưa đủ căn cứ buộc tội. Cụ thể, bị cáo này được họ hàng, làng xóm đánh giá có hiếu, luôn chăm sóc mẹ và đã trả nợ 1,5 chỉ vàng nên động cơ gây án chưa rõ.
Thời gian tử vong của cụ Vui được cơ quan giám định kết luận từ 3 – 4 tiếng sau khi ăn mỳ tôm vào lúc 6 giờ 30 (tức thời gian tử vong vào 9 giờ 30 – 10 giờ 30). Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng việc này không có căn cứ khoa học vì giám định không mổ dạ dày lấy mẫu thức ăn, chỉ căn cứ bản ảnh.
Về chiếc áo dính máu, Hội đồng giảm đốc thẩm xác định nhân chứng khai khi đi làm hôm cụ Vui bị sát hại, ông Phượng chỉ mặc một áo màu xanh (không thể về thay áo, giết mẹ rồi lại thay áo). Điều tra thể hiện hôm đó, người này mặc 2 áo, ngoài xanh, trong màu trắng (dính máu, tang vật). Cần làm rõ tình tiết bị cáo mặc 2 hay 1 áo hôm đó.
Điều không hợp lý tiếp theo là cụ Vui nằm trên giường thấp, hung thủ đứng cao hơn chém xuống nhiều nhát, hiện trường có "máu phun tung tóe" nhưng chỉ áo tang vật dính máu còn quần của ông Phượng lại không có máu.
Thời gian gây án cũng là một ẩn số khi cơ quan tố tụng xác định cụ Vui bị giết trước 11giờ 30 nhưng có nhân chứng ăn cơm cùng ông Phượng khai ông này ra về sau 11 giờ 14 (khi họ nghe điện thoại từ gia đình). Theo khoảng cách thực tế, ông Phượng không thể ra về, mua mì tôm, chém mẹ, hút thuốc rồi hô hoán trong vòng 15 phút.
Sau khi hủy án điều tra lại, năm 2019, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần 2, vẫn kết luận Vi Văn Phượng giết mẹ đẻ bằng cách dùng dao chém nhiều nhát, một cách tàn nhẫn. Bị cáo tiếp tục kêu oan và sau 4 năm, được xử phúc thẩm hôm nay (23/5).
Tại tòa, ông Phượng nói không giết mẹ, nói từng có lời khai nhận tội vì bị một điều tra viên đánh đập, nhét khóa vào miệng… Khi đối chất, điều tra viên này bác bỏ, nói không ép cung, đã làm đúng pháp luật.
Luật sư Đinh Anh Tuấn hỏi, từng có 3 người bị giam cùng ông Phượng khai nhiều lần nghe ông bị điều tra viên đánh, vậy 3 người có mâu thuẫn với điều tra viên không? Vị này cho hay: "Trong cuộc sống, tôi không mâu thuẫn với ai".
Chủ tọa phiên tòa Ngô Tự Học cũng hỏi điều tra viên về việc tại sao Vi Văn Phượng khi bị bắt vào 19/5/2012, khai giết mẹ vào lúc 9 giờ 30 sáng nhưng sau đó lại thay đổi, nói giết vào hơn 11 giờ? Điều tra viên đáp: "Tôn trọng ý kiến bị can, khai sao ghi vậy, nếu khai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Chủ tọa cũng hỏi về việc tại sao cáo buộc ông Phượng giết mẹ ở nhà nhưng khi thực nghiệm điều tra lại tiến hành trong trại tạm giam? Điều tra viên đáp, khi thực nghiệm ông đã không phụ trách vụ án này nên không rõ.
Về con dao quắm được coi là hung khí, các luật sư cũng hỏi điều tra viên tại sao không thu thập dấu vân tay trên đó? Vị này trả lời: "Có thu thập nhưng không có dấu vết". Luật sư phản biện: "Tại sao không ghi việc không dấu vết vào hồ sơ?". Chủ tọa ngắt lời, nói việc này sẽ giải quyết ở phần tranh luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.