Khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8, đã có hai cách đưa tin trên báo chí: Đúng thực chất: Lạm phát ở Việt Nam đã lên đến 23,02%; và cách thứ hai, lạc quan hơn nhiều: CPI tháng 8 "chỉ tăng" 0,93%, hoặc: Lạm phát giảm tốc.
Có nên lạc quan quá sớm khi lạm phát 8 tháng năm 2010 đã phá kỷ lục lạm phát 2008 và đây là mức lạm phát cao nhất châu Á?
Giá lương thực thực phẩm- đã không còn là "ẩn số"- chữ dùng của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa khi dự báo về lạm phát 2011. Suốt 8 tháng, giá loại hàng hóa "thiết yếu của thiết yếu" này luôn "chạy", vọt xa hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của chỉ số giá. Tuy nhiên, chính việc tăng giá những mặt hàng mang tính chất đầu vào của nền kinh tế: Xăng dầu, điện, khiến cho lạm phát lập kỷ lục châu Á, một kỷ lục mà không một người dân nào mong muốn.
Bởi trong chính cái ngày tỷ lệ lạm phát 23,02%- hay 17,64% (kể từ đầu năm) được Tổng cục Thống kê công bố, thì Bộ Công Thương cũng chính thức ban hành Thông tư 31, trao toàn quyền tăng giá điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, giá bán điện sẽ được "điều chỉnh" trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào: Tỷ giá USD, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát.
Hay cho chữ “điều chỉnh”. Bởi nhìn nhận cả 3 thông số, sẽ không có cái nào có khuynh hướng giảm. Còn nhớ trong buổi họp báo về việc triển khai giá điện theo cơ chế thị trường, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri đã phát biểu: Khoản lỗ 8.000 tỷ đồng của EVN trong năm 2010, đang chờ kết quả kiểm toán để phân bổ vào giá điện năm 2011. Đáng chú ý là trong khoản lỗ này, có tới 17.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá.
Thông số tỷ giá, cũng như việc giá điện "gánh lỗ" đang cho thấy một thực tế rằng: Giá điện ở Việt Nam, một loại hàng hóa đầu vào của tất cả các sản phẩm dịch vụ, tác động trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của gần 90 triệu dân, đang phụ thuộc vào tài năng kinh doanh của EVN cũng như những rủi do tỷ giá mà ngoài một số ngành độc quyền thì các doanh nghiệp khác phải chịu.
Thông tư 31 cũng trao quyền cho EVN được báo cáo Bộ Công Thương và "điều chỉnh" nếu chênh lệch 5% so với giá hiện hành. Trường hợp nhỏ hơn 5%, EVN được tính toán phân bổ lại chi phí và vẫn được điều chỉnh giá bán điện tăng tối đa 5%. Chỉ trong trường hợp "trên 5%", phương án tăng mới phải thông qua liên bộ Công Thương, Tài chính thẩm định trình Chính phủ. Như vậy, từ 1.9, giá điện có nguy cơ cứ 3 tháng tăng một lần. Tăng căn cứ vào những tính toán của EVN. Và trong nhiều trường hợp, tăng không cần báo cáo.
Khi giá điện được "điều chỉnh", thực chất là tăng trong quý I, có vị lãnh đạo ở Bộ Tài chính đã trấn an rằng: Giá điện sẽ kéo CPI chỉ tăng 0,38%. Nhưng trong thực tế, tới tháng 3, lạm phát đã vọt lên tới 13,89%.
Nếu như tới đây, giá điện được điều chỉnh theo chu kỳ mỗi 3 tháng, không hiểu rồi lạm phát còn lập những kỷ lục tầm cỡ gì nữa.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.