Bộ Y tế cho biết, chiều ngày 7/2, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ đã được bàn giao cho ngành y tế Điện Biên.
Thay mặt đoàn công tác của Bộ Y tế, TS. Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin báo cáo xác định có ca bệnh đầu tiên tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng và các đơn vị trực thuộc Bộ (Cục quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, BV Bạch Mai và Viện vệ sinh dịch tễ TW) thành lập ngay đoàn công tác để hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên.
Chuyển từng con ốc từ Hà Nội lên lắp đặt Bệnh viện dã chiến
Chiều ngày 5/2, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến Điện Biên, tiếp đó, trưa ngày 6/2, Bệnh viện Bạch Mai điều động thêm 5 kỹ sư có chuyên môn, kinh nghiệm về thiết lập Bệnh viện dã chiến lên Điện Biên. Như vậy, đã có gần 30 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư... ở các lĩnh vực dự phòng, điều trị, xét nghiệm, thiết lập Bệnh viện dã chiến được Bộ Y tế huy động đến Điện Biên.
PGS. TS. Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đến Điện Biên mang theo rất nhiều trang thiết bị, máy móc từ những con ốc vít cho đến những thiết bị tối tân như máy tim phổi nhân tạo (ECMO), đã nhanh chóng thiết lập xong Bệnh viện dã chiến với thời gian thần tốc 15 giờ kể cả thời gian tranh thủ ăn uống.
“Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ đã được trang bị hệ thống oxy, khí nén trung tâm, hệ thống camera trung tâm theo dõi người bệnh, hệ thống telehealth kết nối trực tiếp với các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị những ca bệnh nặng tại chỗ...”.- PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.
Sau hơn 15 tiếng khẩn trương làm việc không quản ngày đêm, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ đã được hoàn thành trên cơ sở Trung tâm y tế TP Điện Biên Phủ và bàn giao cho ngành y tế tinh.
Hiện tại có thể nói công tác xét nghiệm tại Điện Biên đã đảm bảo đủ sinh phẩm, công năng, công suất, năng lực để đối phó dịch bệnh trong tình huống hiện tại.
Cùng với đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tổ chức các buổi tập huấn về chuyên môn điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly cho toàn bộ cán bộ y tế của tỉnh; đặc biệt là đội ngũ phục vụ hoạt động của Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.
Theo ông Dương, Bệnh viện dã chiến được đưa vào sử dụng sẽ giúp ngành y tế Điện Biên sẵn sàng và chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống Covid-19; cũng như công tác truy vết, xét nghiệm phát hiện sớm ca bệnh Covid-19.
Tính đến hết ngày 7/2, Điện Biên ghi nhận 2 ca Covid-19, có nguồn gốc từ Hải Dương.
Như vậy, với 15 giờ làm việc thần tốc, không ngừng nghỉ, một Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được thiết lập một cách thần kỳ. Đây là kỷ lục mới được lực lượng y tế liên tục phá vỡ.
Trước đó, Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Bệnh viện trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương đã được lắp đặt trong vòng 22 giờ, được coi là kỷ lục về thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.