Con gà chọi trong lịch sử
Bỏ qua những trường gà chọi với đủ ngón nghề móc túi con bạc đến mức tán gia bại sản ở thời hiện đại, chọi gà của ông cha ngày xưa phải mang tinh thần thượng võ, oai hùng. Trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều giai thoại thú vị về các danh tướng như Nguyễn Lữ, Lê Văn Duyệt… đều là những bậc xếp vào hàng "thầy gà".
|
O bế gà chọi. |
Nhiều tài liệu ghi lại, Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh không khỏe như anh mình là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Dù ham mê văn chương nhưng với tư cách một trong những võ tướng đầu lĩnh của Tây Sơn khởi nghĩa, ông cũng đã học thập bát ban võ nghệ và chuyên về môn miên quyền, nhu quyền.
Nhờ quan sát cách chiến đấu của những chú gà chọi, ông đã sáng tạo ra bài “Hùng kê quyền” nổi tiếng. Thể trạng người Việt Nam nhỏ, trong khi quân đội nhà Tây Sơn phần nhiều là nông dân đứng lên tụ nghĩa, không thể một sớm một chiều mà thành thục kỹ năng chiến đấu nên những thế "võ gà" do Nguyễn Lữ sáng tạo đã trở thành môn võ lấy yếu đánh mạnh khiến quân thù khiếp đảm.
Bên kia chiến tuyến, Tả quân Lê Văn Duyệt - tướng nhà Nguyễn cũng là người mê nghệ thuật đá gà. Tục truyền Tả quân đã nuôi 5.000 con chiến kê để nghiên cứu về các thể loại như Ngũ Hành luận dựa trên sắc lông, phép xem tướng và phép xem vảy.
Một trong những thủ bản cẩm nang về gà nòi còn được truyền tụng đến ngày nay là "Kê Kinh" mặc dù do bản sao chép lại đã "tam sao thất bổn" nhưng vẫn còn nhiều giá trị và được các sư kê và các tay chơi gà gối đầu giường và dùng làm "kim chỉ nam" cho việc chọn và xem tướng gà nòi. Ông là bậc thầy về huấn luyện gà và viết hẳn sách dạy nghề nuôi gà chiến.
Chuyện "Tướng râu kẽm" mê gà
Thời hiện đại, "Tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ cũng là người đá gà "có số". Hồi còn làm Phó Tổng thống chế độ cũ, Tướng Kỳ nhiều lần tự lái trực thăng chở gà đi đá độ. Các lò độ gà nổi tiếng ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) hay Bến Lức (Long An) đều nhẵn mặt ông tướng ham chơi này.
Theo lời kể của dân mê gà, ông tướng râu kẽm có hẳn trường gà và một trang trại chuyên nuôi gà chọi. Hễ nghe ở đâu có gà hay là ông tìm mua, còn ai biết nghề nuôi gà thì được mời về trại của ông làm "cố vấn nuôi gà", đổi lại con cháu người đó sẽ được… miễn quân dịch(?).
Giới chơi gà chiến ở Cao Lãnh còn lưu truyền chuyện "Tướng râu kẽm" khi nghe tin ở đâu có con gà hay thì liền cho người tìm đến thương lượng mua đứt. Nếu chủ đồng ý bán, chỉ ít giờ đồng hồ sau đã thấy ông tướng đích thân bay trực thăng phành phạch xuống tận nơi "đón gà về dinh".
Nếu bận công việc không đi đón gà được thì ông tướng cũng cử đệ tử thân tín nhất đi đón gà. Có lần tới giờ họp nhưng ông tướng biến đâu mất, đám đàn em nháo nhác đi tìm. Thì ra ông tướng đi Cao Lãnh lùng mua cho bằng được con gà chiến rồi bay thẳng qua Chương Thiện (Vị Thanh, Hậu Giang ngày nay) để cáp độ đá. Lâu nay nghe xứ Chương Thiện có con gà "vô địch thiên hạ" nên ông tướng… ngứa lỗ tai, quyết kiếm gà hay để đá cho biết…
Cả tháng qua, dọc tuyến Quốc lộ 1A từ TP.HCM về tận mũi Cà Mau đâu đâu cũng thấy 2 bên đường người dân úp bội nhốt gà nòi. Những chú gà chờ "ông chủ" mới tới bắt đi, trồng cựa rồi tung vào sới cho những canh bạc có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng…
Lần khác, Tướng Kỳ về Tân An công tác, nghe nói ở xóm phế binh Kỳ Son (phường 3, TP.Tân An, Long An ngày nay) có mấy lò độ gà rất dữ. Ông đội nón sùm sụp rồi kêu đám đệ tử chở ra đó đá gà. Gà đang xung trận, có mấy tay phế binh nhận diện được "chủ tướng", la hét ầm ỹ. Sợ ở lâu mang họa, "chủ tướng" phải bỏ dở trận gà, thoái lui ra xe rồi chạy thẳng về sân bay Cần Đốt.
Theo lời kể của con cháu ông Tư H (đã mất) - bậc thầy nuôi gà độ ở Bến Lức, năm 1972 - 1973 đệ tử ông Kỳ đã nhiều lần ghé Bến Lức nằn nì mua cho bằng được mấy con gà chiến của ông Tư H.
"Ban đầu ông nội tui thấy họ là lính ngụy, không muốn bán. Sau đó họ thú thiệt là mua cho ông Kỳ, giá cao cỡ nào cũng thanh toán sòng phẳng. Do không muốn rắc rối nên ông nội tui bán cho họ hai con. Nghe nói số tiền mà họ bỏ ra để mua gà gấp mười lần giá trị con gà lúc đó…" - một người cháu của ông Tư H kể lại…
Bài 2: Kỹ nghệ "độ" chiến kê
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.