Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022): Nhớ “người sắt, chí thép” Nguyễn Văn Thương

Lưu Văn Bính Thứ tư, ngày 27/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đã 4 năm Thiếu tá, thương binh, AHLLVTND Nguyễn Văn Thương về cõi vĩnh hằng, nhưng những chiến công vang dội, ý chí kiên cường, dũng cảm của ông trong chiến đấu, nhất là những năm tháng bị giặc Mỹ bắt, tra tấn, tù đày vẫn còn được nhắc đến thường xuyên, khâm phục.
Bình luận 0

Những ngày tháng 7 này, nhớ về ông, tôi nhớ đến chuyện ông đã kể về những tháng ngày kiên cường  trong tay giặc…

Hơn 3 tháng trời thử thách nghiệt ngã

Tháng 6 năm 2006, tôi cùng chị Phan Thị Quyên đến thăm anh hùng Nguyễn Văn Thương tại nhà riêng của gia đình ông ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hình ảnh đầu tiên làm tôi xúc động là người thương binh già cụt cả hai chân đến tận hông, ngồi trên xe lăn, người hơi gầy nhưng có đôi mắt sáng, lanh lợi…

Ông Thương kể, ông sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng, huyện Tràng Bảng, Tây Ninh, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ ông bị địch bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh khi ông vừa tròn 8 tuổi. Đến năm 1959, trong một trận chiến đấu với địch, cha ông - một chiến sỹ quân báo lại hy sinh. Tháng 5/1959 Nguyễn Văn Thương quyết định tham gia cách mạng để đòi nợ nước, trả thù nhà. Năm 1961 ông được chuyển về đơn vị trinh sát với nhiệm vụ bảo vệ ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành uỷ T4 Sài Gòn-Gia Định, tiếp đó ông được chuyển sang hoạt động tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý) - Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022): Nhớ “người sắt, chí thép” Nguyễn Văn Thương - Ảnh 1.

Hình ảnh thiếu tá, thương binh, Anh hùng Nguyễn Văn Thương trong cuộc sống đời thường. Ảnh: ZING

img

Năm 1978, thiếu tá Nguyễn Văn Thương được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hung Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông còn đước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 14 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Ông mất ngày 13/8/2018 tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi.

Một lần, trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra căn cứ, ngày 10/2/1969, ông bị máy bay Mỹ phát hiện và thả lính truy bắt. Ông Thương đã cũng cảm chiến đấu, dùng AK-47 bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên Mỹ. Bọn Mỹ phải huy động thêm quân mới bắt được ông, nhưng trước khi sa vào tay giặc, ông đã kịp thời cất dấu tài liệu. Từ đây, cuộc thử thách với ông bắt đầu.

Sau một đêm tra tấn, hành hạ ông nhưng bọn địch không khai thác được thông tin gì, chúng liền đưa ông về một căn biệt thự rất sang trọng ở Sài Gòn. Một tên Đại tá Mỹ chào đón và thăm hỏi sức khỏe ông, rồi chỉ vào tấm ngân phiếu để trên bàn nói: "Đây là tấm ngân phiếu trị giá 100.000 USD, ông muốn chuyển vào ngân hàng nào cũng được, xe hơi cùng ngôi biệt thự này tất cả là của ông. Không chỉ vậy, nếu ông chịu hợp tác thì chúng tôi sẵn sàng trao cho ông một bộ quân phục 2 bông mai, cấp Trung tá". Nghe vậy, ông biết địch đang tìm mọi cách mua chuộc ông để ông khai ra tổ chức cách mạng. Đáp lại sự mời chào của tên Đại tá là sự im lặng từ ông Thương. Thấy vậy, tên Đại tá Mỹ liền đưa đến một cô gái, rồi hắn bỏ ra ngoài. Cô gái quả là rất đẹp, nhẹ nhàng, lịch sự… Thoáng nhìn qua, ông Thương biết, những người có mặt ở ngôi biệt thự là những nhân viên tâm lý chiến, chúng đang tìm mọi cách để ông phải khai ra đồng đội, đường dây, căn cứ

Có lẽ cô gái đẹp kia biết ông là đối thủ đáng gờm nên cô ta cũng rất khôn khéo, không để lộ ra ý định kêu gọi ông chiêu hồi mà chỉ nói những lời êm đẹp, tâm sự, chuyện trò tình cảm như rút ra từ gan ruột về gia cảnh, về lỗi lầm tuổi trẻ mà cô ta đã trải qua. Thỉnh thoảng cô ta lại có những cử chỉ ân cần kiểu tình yêu lãng mạn, đánh vào tâm lý và bản năng con người hòng làm ông rung động, đổi thay: "Chúng ta sẽ không ở đây nữa, chúng ta sẽ cầm theo tấm ngân phiếu này đi du lịch Canada, khi nào chán chúng ta sẽ đi nước khác. Em thích đi du lịch với anh lắm…" - cô ta thủ thỉ. Bỏ ngoài tai tất cả, ý chí và lý trí của một chiến sĩ tình báo đã giúp ông kiềm chế, vượt qua tất cả mọi cám dỗ.

Ngày thứ 99 kể từ khi ông Thương bị địch bắt, cô gái không còn dè dặt nữa, nói thẳng với ông: "Người ta đã biết anh là Nguyễn Văn Thương, tổ trưởng giao liên tình báo miền Nam. Nếu anh không nghe em, người ta sẽ đập nát đôi chân giao liên của anh đấy. Nghe em đi anh, đêm nay anh suy nghĩ lại đi, mai anh trả lời em". Theo ông, địch biết được thông tin về ông là do tên chiêu hồi có tên Chiến Cá tiết lộ, cũng chính hắn đã chỉ điểm cho địch theo dõi và bắt ông.

Sáng ngày thứ 100, ngồi ở phòng khách ngôi biệt thự, cô gái trông mặt buồn rười rượi chờ  đợi câu trả lời của ông, nhưng cô chỉ nhận được cái lắc đầu cự tuyệt của ông… Lúc này 2 tên Mỹ bước vào phòng, còng 2 tay ông lại đưa ra xe.

"Một sinh vật bằng thép''

Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022): Nhớ “người sắt, chí thép” Nguyễn Văn Thương - Ảnh 4.

Kể về những tháng ngày kiên cường đấu tranh với sự tra tấn của kẻ thù, ông Thương nói với chúng tôi rằng: "Mình không thể phụ lòng tin của ba mẹ, của các mẹ, các anh, các chị, các chú, không thể phản bội lại cách mạng".

Sau hơn 3 tháng dùng vật chất, tiền bạc, gái đẹp để dụ dỗ mua chuộc Nguyễn Văn Thương không được, chúng đưa ông đến một căn phòng rộng, tại đây các sỹ quan Mỹ đã chờ sẵn. Một tên Trung tá Mỹ nhìn ông rồi nói: "Chúng tôi đã biết ông là Nguyễn Văn Thương, tình báo đã hoạt động nhiều năm rồi". Ông liền trả lời: "Không phải, tôi là Nguyễn Trường Hân, là lính đào ngũ, tôi chỉ muốn về nhà làm ăn như trước". Nghe ông nói vậy, tên Trung tá đứng dậy đanh giọng: "Lần cuối tôi nói với ông, chiếc lon Trung tá vẫn chờ ông, chỉ cần ông  nhận mình là Nguyễn Văn Thương". Ông thừa biết, chỉ cần ông nhận mình chính là chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương thì chúng sẽ dần dần khai thác từng bước, nên ông vẫn kiên quyết nhận mình là Hân…

Cũng từ đây, những ngày tháng máu thịt của ông chọi với gang thép của địch bắt đầu. Sau câu trả lời của ông như vậy 3 tên lính Mỹ và 2 tên lính Đại Hàn xấn tới, đè ngửa ông ra cột vào bàn sắt. Một tên hất hàm hỏi ông: "Mày tên gì", ông đáp "Nguyễn Trường Hân", sau câu trả lời của ông, một tên lính Đại Hàn bẻ ngón chân út ông kêu "rắc'', tiếng kêu tuy không lớn nhưng như có cái đinh đóng vào óc ông, đau đớn tột cùng. Sau khi 2 ngón chân út đều bị bẻ gãy, chúng lôi ông sang phòng bên cạnh giam lại. Cứ như thế, cách mấy ngày chúng lại đến thẩm vấn và lần lượt bẻ hết cả 10 ngón chân của ông, sau đó chúng dùng gậy đập nát 2 bàn chân của ông.

Một ngày, viên nữ Trung úy lần trước lại đến đưa ông về biệt thự để chữa trị, tiếp tục tỷ tê, dụ dỗ ông bỏ trốn, đi du lịch cùng cô ta, nếu ông muốn không bị cưa chân. Ông khẳng khái trả lời: "Tôi chấp nhận bị cưa chân". Và ông đã 6 lần bị địch tổ chức cưa chân, mỗi lần bọn chúng cưa một đoạn. Trước mỗi lần chuẩn bị cưa chân ông, chúng lại dùng nhiều thủ đoạn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa, vết thương gần lành chúng lại cưa…

Dã man hơn là lần cưa chân cuối cùng, chúng đưa ông ra làm vật thí nghiệm cho những bác sỹ Mỹ - những người này sẽ được đào tạo thành nhân viên CIA. Sau lần đó ông bị hôn mê đến 3 ngày, khi tỉnh dậy ông thấy đoạn đùi trái còn lại cuối cùng cũng đã bị cưa cụt đến tận hông. Dù thân thể đã hao mòn, lực kiệt vì những vết lở, nhiễm trùng do bị nhiều bàn tay của bọn bác sỹ thực tập đụng vào, nhưng ông vẫn sống! Thật là một điều kỳ diệu, nhưng ông đã mất hẳn đôi chân của mình. Ông chỉ còn nằm trên cáng, tong teo, nhỏ xíu…

Lòng cam đảm và sự kiên trung của Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương đã khiến cho những tên sỹ quan Mỹ phải kính nể. Tên Trung tá Mỹ trực tiếp ra lệnh tra tấn ông đã phải thốt lên rằng "Ông đúng là một sinh vật bằng thép. Thử sức nhau suốt 7 tháng nay, chúng tôi đã thua ông rồi"

Sau khi vết thương đã lành, giặc Mỹ đưa ông về giam giữ tại trại giam Hố Nai. Trong ngục tù ông vẫn tiếp tục đấu tranh, nên bị chúng nhốt vào thùng sắt 3 tháng, nơi mà người tù thường khó chịu đựng nổi 15 ngày. Tiếp đó chúng lại đày ông ra Côn Đảo.

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, ông được trả tự do, về với gia đình với một thân hình không còn lành lặn. Sau Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông tham gia Ban quân quản, lĩnh vực tình báo, mấy năm sau ông được nghỉ hưu theo chế độ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem